Theo lời phụ huynh này, lớp của con chị có 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Chị này chỉ đóng quỹ lớp vì cho rằng quỹ phụ huynh là không ép buộc, ai thích đóng thì đóng.
Trước hết, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có cái lý của mình vì rõ ràng việc tổ chức liên hoan cho lớp sử dụng quỹ do các phụ huynh đóng góp, ai không đóng có nghĩa là sẽ không tham gia. Điều này đúng về lý, nhưng về tình thì lại hoàn toàn sai. Bởi, hành động của Ban đại diện cha mẹ học sinh khi loại trừ một học sinh khỏi buổi liên hoan là thiếu tinh tế và có phần vô tâm, điều này vô tình khiến một học sinh mới bước vào bậc học tiểu học phải chịu tổn thương. Chắc hẳn ai làm cha mẹ cũng sẽ cảm thấy xót xa và trăn trở khi con mình rơi vào hoàn cảnh này.
Còn người mẹ trong câu chuyện trên cũng có lý của mình. Rõ ràng vị phụ huynh này nắm rất rõ quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định “kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác”. (căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT - BGDĐT quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh). Còn việc người này không đóng quỹ phụ huynh có thể xuất phát từ việc “dị ứng” với các khoản phí hoặc bởi một lý do riêng nào đó khác.
Tuy nhiên, về tình mà nói, đây lại là lỗi từ phía người mẹ. Trong câu chuyện này, thay vì phản đối ngay từ đầu hoặc đề xuất giải pháp thay thế, người mẹ lại không có hành động gì cho đến khi sự việc xảy ra. Việc chỉ có mình người này không đóng quỹ phụ huynh có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của lớp, đồng thời vô tình đẩy con mình vào tình huống trớ trêu trên.
Qua câu chuyện trên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, trên cả hai góc độ tình cảm và lý trí để có cách giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn tinh thần cho học sinh.