Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI): Quyết liệt nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm được công bố, Hà Nội dù đã giữ vững trong tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt, song nhiều chỉ số thành phần chưa thực bền vững. Điều đó, đòi hỏi TP cần quyết liệt khắc phục để nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước, để tăng thu hút đầu tư và cải thiện chất lượng phục vụ với DN, người dân.

Doanh nghiệp đăng ký giải quyết hồ sơ tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều chỉ số thành phần chưa bền vững
Năm 2020, TP Hà Nội lần thứ ba liên tiếp giữ vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố. Trong 10 chỉ số thành phần, chi phí thời gian được đánh giá cao nhất, tiếp đó là đào tạo lao động, gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ DN…. Hà Nội cũng có nhiều cố gắng nhằm giảm các chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch, tính năng động của chính quyền.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc Hà Nội liên tục có mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước là kết quả đáng ghi nhận, bởi đây là một trong hai địa phương có số lượng DN nhiều nhất cả nước. Việc giữ thứ hạng và tăng điểm số của Hà Nội còn cho thấy diễn biến tích cực, sự ổn định của TP trên chặng đua cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh vì DN.

Hà Nội được cộng đồng DN ghi nhận là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, nhưng việc ba năm qua vẫn đứng ở vị trí thứ 9, thậm chí một số chỉ số thành phần tụt giảm đã và đang là rào cản khiến chỉ số PCI của TP khó tăng hạng. Đáng lưu ý, phần lớn các chỉ số của Hà Nội đều tăng một cách dè dặt, khiêm tốn như chỉ số "Môi trường cạnh tranh bình đẳng" tăng bốn bậc, nhưng vẫn xếp thứ 52 trong tổng số 63 tỉnh, TP; chỉ số "Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, TP" xếp thứ 44 trong tổng số 63. Các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ, công chức, cải cách hành chính trong chỉ số "Chi phí thời gian", chỉ số "Chi phí không chính thức"; chỉ số "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" tăng hai bậc so với năm trước, xếp thứ 34 của cả nước.

Trong khi đó, hai chỉ số thành phần được đánh giá là quan trọng thì Hà Nội lại bị sụt giảm đáng kể, rơi vào nhóm có xếp hạng thấp trong năm 2020, gồm chỉ số "Chi phí gia nhập thị trường" và chỉ số "Tiếp cận đất đai".

Thực thi tốt các chính sách

Với mục tiêu phấn đấu chỉ số PCI nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND và triển khai các giải pháp để giữ vững các chỉ số thành phần cao và tăng bậc các chỉ số còn thấp hoặc có xu hướng giảm hạng.

Trong đó, đặc biệt quyết liệt khắc phục hai chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể là "Chi phí gia nhập thị trường" và chỉ số "Tiếp cận đất đai". Trong đó, giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký DN tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thay đổi đăng ký DN. Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu 50% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4… Đồng thời, rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ hợp lệ và các thủ tục để DN chính thức hoạt động. Thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ để nâng cao chất lượng hướng dẫn người dân và DN.

Cùng với đó, TP cũng tiếp tục thực hiện đơn giản hóa TTHC về đất đai và tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho DN. Sở TN&MT được TP giao xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và 5 năm (2021 - 2025); công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường.

Như nhiều ý kiến nhận định, để thực thi hiệu quả các giải pháp này, rất cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để từ đó, những chủ trương, chính sách đã có được thực thi tốt trong thực tiễn, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến nền hành chính phục vụ, đem lại sự hài lòng, thuận tiện cho tổ chức, DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần