Còn nhiều điểm nghẽnBáo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP trong 5 tháng đầu năm 2019 vừa được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ cho thấy, những điểm sáng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đó là Chỉ số khởi sự kinh doanh trong đó cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng gộp 4 bước thủ tục (đăng ký thành lập DN; thông báo mẫu con dấu; khắc dấu; mở tài khoản ngân hàng) thành một bước thủ tục. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 37/2017/TT-BTC rút ngắn thời gian đăng ký tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 2 ngày; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực thi, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định…
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa lọt vào top 4 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN. Nhìn vào DN tư nhân vẫn còn một câu hỏi lớn: Đã có bao nhiêu DN rời khỏi thị trường hay tạm ngừng hoạt động vì rào cản thủ tục hành chính, vì những quy định pháp luật chưa phù hợp? Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, quyết liệt hơn nữa và đặc biệt là nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung |
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trên, Báo cáo cũng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 02 vẫn còn thiếu đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ phải hoàn thành tài liệu hướng dẫn trong quý I/2019. Tuy nhiên, chỉ có một số ít bộ ban hành đầy đủ tài liệu hướng dẫn đúng hạn (Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, NHNN, Bộ Tư pháp); còn lại ban hành chậm hơn hoặc thậm chí chưa ban hành.
Nghị quyết 02 giao cho 5 bộ xây dựng tài liệu hướng dẫn về 7 bộ chỉ số. Đến nay, có 4/5 bộ hoàn thành. Cùng với đó, Nghị quyết cũng giao cho 15 bộ, ngành chủ trì chịu trách nhiệm đối với 88 chỉ số trọng tâm. Hiện có 7/15 bộ, ngành (tỷ lệ 46,7%) hoàn thành tài liệu hướng dẫn đối với 47/88 chỉ số thành phần (đạt 53,4%).
“Việc các bộ, ngành ban hành chậm hoặc chưa ban hành tài liệu hướng dẫn gây lúng túng và khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng kế hoạch hành động, không sát với yêu cầu” - Bộ KH&ĐT đánh giá.
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cũng chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN và chưa đạt được kết quả như báo cáo của các bộ. Báo cáo chỉ ra: “Trong tháng 5/2019, các bộ báo cáo chính thức cắt giảm 3.425/ 6.191 ĐKKD, đạt 110,6% so với yêu cầu. Nhưng trên thực tế, DN vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ban hành nghị định sửa các nghị định về ĐKKD khi thực hiện yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD còn chậm”. Về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến rõ ràng nào được ghi nhận. Đáng chú ý là có văn bản được ban hành với mục tiêu báo cáo thành tích hơn là cải cách thực chất cho DN…
Cạnh tranh trong tình hình mớiĐể duy trì đà tăng trưởng kinh tế, các tổ chức đều khuyến cáo Việt Nam nên tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh vì đó sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.
“Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam vốn là nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính là điều cần thiết. Trong đó, các hoạt động liên quan đến môi trường pháp lý cần rõ ràng hơn”- Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội thảo Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối tháng 3 vừa qua.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 6 động lực thúc đẩy phát triển kinh tế 2019, quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt cắt giảm các thủ tục không cần thiết, công khai rõ ràng trên website của đơn vị mình để người dân và DN biết.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh của sự phát triển ở Việt Nam để góp phần làm nên những bước phát triển mạnh mẽ của DN Việt Nam, kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội sẽ đi qua rất nhanh, nếu như những cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế không thật sự tác động đến hoạt động hàng ngày của các DN, nhà đầu tư".