Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần “cú huých” để đột phá

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Việt Nam có chủ trương, cam kết thực hiện cải cách nhưng vẫn thiếu cách tổ chức thực hiện nên hiện mới ở giai đoạn xóa bỏ rào cản, còn ở các nước khác đang ở mức tạo ra các yếu tố thúc đẩy phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, để bắt kịp tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh các nước, Việt Nam cần có những đột phá để hoàn thành cải cách.
Có chuyển biến song… vẫn vướng

Khi Luật DN ra đời năm 2000, số lượng DN thành lập mới trong năm đầu tiên thực hiện tương đương với 10 năm trước đó. Rõ ràng, nếu không có cải cách đột phá thì không thể tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển này. Một trong những trọng tâm của cải cách là xóa bỏ điều kiện kinh doanh.
 Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Hà Yến. Ảnh: Khắc Kiên
Tháng 8/2017 Nghị quyết 98 lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ và cắt giảm từ 30 – 50% tổng số điều kiện kinh doanh. Tháng 1/2018, bộ đầu tiên và duy nhất hoàn thành việc này lần thứ nhất là Bộ Công Thương, với việc ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh.

Bàn về vấn đề này, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho rằng, sự vào cuộc của Bộ Công Thương được các DN đánh giá cao khi có nhiều văn bản rà soát đổi mới, điều chỉnh, đặc biệt ban hành Nghị định 08 tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục kinh doanh, giảm tải về chi phí, thời gian cho DN, thay đổi nhận thức tư duy của cán bộ thực thi công vụ...

"Trong các năm 2016 - 2017, tình hình DN thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110.000 DN với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127.000 DN với số vốn đăng ký là 1 triệu 295.911 tỷ đồng. Trong năm tháng 2018, có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, số lượng DN quay trở lại hoạt động, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động." - TS Trần Thị Hồng Minh

– Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh

(Bộ KH&ĐT)
Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu đánh giá, ngoài sự chuyển mình mạnh mẽ của Bộ Công Thương, các bộ khác vẫn đang trong quá trình rà soát, xây dựng phương án. Bộ nào nhanh nhất cũng mới đang lên dự thảo các văn bản ở cấp Nghị định để dự kiến trình Chính phủ thông qua về bãi bỏ các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở Nghị định mà còn được quy định trong các luật, như vậy muốn sửa luật thì chắc chắn không thể tính theo tháng, mà phải tính bằng vài năm.

Yếu tố then chốt

Hiện các nước về cơ bản đã chuyển sang một tầm cao khác, cải cách trở thành yếu tố để thúc đẩy phát triển, chứ không chỉ là dỡ bỏ rào cản. Trong khi tại thời điểm này, Việt Nam mới đang tập trung xóa bỏ những rào cản như gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật của DN và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Do đó, ông Hiếu coi đây là thách thức khi cải cách, đầu tiên là phải xóa bỏ rào cản, tiếp đến nếu muốn thu hút nhà đầu tư thì phải an toàn trong kinh doanh. Việc đảm bảo quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ là điều rất quan trọng với các nhà đầu tư và DN. Điểm nhấn trọng tâm, không thể thiếu của cải cách đó là cạnh tranh. Nếu Việt Nam không thúc đẩy và có được một chính sách cạnh tranh để các DN coi đó là động lực thì sẽ là một thiếu sót.

Đồng quan điểm này, theo TS Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), để giải quyết bài toán cải cách, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhất là cải cách mạnh hệ thống pháp luật về DN theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của DN…

"Không chỉ các bộ, các địa phương cũng đang rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, riêng tại Hà Nội, từ lãnh đạo TP cho đến các sở, ban, ngành đều vào cuộc tích cực cải thiện thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan để thu hút đầu tư… Đơn cử tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển” mới đây, 71 dự án xã hội hóa lớn được ký biên bản ghi nhớ đã thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của TP qua đó tạo được niềm tin với cộng đồng DN." - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Trịnh Thị Ngân