Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần 1.350 tỷ đồng xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Sở Công Thương Hà Nội, để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề, TP Hà Nội cần một khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 202-2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

 

 Cần 1.350 tỷ đồng xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Hà Nội - Ảnh 1

Xả, đốt rác bừa bãi tại một làng nghề thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Lê Nguyên/TTXVN.

Cùng với việc xử lý ô nhiễm môi trường, TP đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề thực hiện tốt các quy định về Luật Bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường và giảm ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đồng thời, TP xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật với nước ngoài nhằm ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề.

TP Hà Nội cũng tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm bởi các hóa chất có chứa H2SO4, H2S, NH3, HCl, NaOH... các loại kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen; không khí có các hợp chất có chứa SO2, CO, NO2.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, chất lượng môi trường sống tại các làng nghề đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm về nguồn nước, nước thải, chất thải rắn, không khí, bụi, tiếng ồn...

Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình rửa tẩy các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường.

Các nghề cơ kim khí, gốm sứ, chế biến lâm sản, chế biến nông sản và dệt may gây ô nhiễm không khí do khâu phun sơn, bụi gỗ thải vào môi trường trong quá trình sản xuất, các lò nung gốm sứ còn sử dụng lò than do phân hủy hiếm khí, các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn như SO2, H2S, NH3, CH4, chất thải khí ô nhiễm khác như Indol, Scatol, Mercaptol... gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Do chưa có ý thức bảo vệ môi trường, hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở các làng nghề như các bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh...

Các Sở, Ban, ngành, địa phương đã có các giải pháp giúp đỡ khắc phục ô nhiễm ở các làng nghề như: Xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, tiết kiệm nguyên vật liệu xăng dầu, giảm tiếng ồn, xây dựng một số dự án xử lý nước thải, đồng thời, tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường, hỗ trợ chương trình vệ sinh môi trường, xử lý nước thải cho làng nghề. Tuy nhiên, việc đầu tư cho làng nghề khắc phục ô nhiễm còn hạn chế, thiếu đồng bộ.