Kinhtedothi - Người làm nghề vẫn bảo NSƯT Đức Long là một người khổ, khổ cả trong công việc lẫn chuyện riêng tư. 8 tuổi, anh đã mồ côi cha mẹ, đời sống tình cảm cũng nhiều sóng gió. Thế nhưng, Đức Long cho rằng, mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Bởi đến năm thứ 35 làm nghề, anh có được một đêm diễn cho riêng mình; trong khi nhiều anh chị cùng lứa như NSND Trung Kiên, NSND Thu Hiền... vẫn ngóng đợi một đêm diễn như thế.
Âm nhạc của kẻ tay ngang
Nhắc đến Đức Long là người ta nhớ đến một giọng ca trầm ấm. Bao nhiêu năm qua, giọng ca ấy gắn với những ca khúc tiền chiến mà mỗi lần cất lên lại khiến người ta phải thổn thức, phải nhớ, phải yêu. Giọng hát của Đức Long không gồng, không trưng trổ kỹ thuật mà tuôn chảy như từ trong tâm hồn anh vậy. Thế nhưng, ít ai biết rằng, giọng hát ấy không phải xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cũng không được học hành bài bản ngay từ nhỏ. Bởi 8 tuổi, anh đã mồ côi cha mẹ, cuộc sống mưu sinh bên 2 người chị đầy vất vả. Học hết cấp 2, Đức Long bỏ học đi làm công nhân ở Quảng Ninh. Rất may mắn, trong một lần giao lưu văn nghệ giữa công nhân mỏ và đoàn nghệ thuật Tổng cục Phòng không - Không quân, tài năng của người nghệ sĩ này được phát hiện và được nhận về công tác tại đoàn, sau đó, anh thi đỗ và học tại Nhạc viện Hà Nội. Ra trường, Đức Long về đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc T.Ư.
Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, hơn 20 năm nay, Đức Long vẫn duy trì việc dạy học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia với tư cách cộng tác viên. Anh yêu và gắn bó với công việc này bởi muốn truyền cho giới trẻ tình yêu âm nhạc - thứ tình yêu thuần khiết mà thế hệ anh đã sống và tâm niệm. Những ca sĩ như Hiền Anh hay Tùng Dương từng là học trò của anh...
Người nghệ sĩ nghèo
Nhắc đến Đức Long, người ta nhớ về những tình khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... Trong khi, bao lớp học trò của anh hái ra tiền nhờ dòng nhạc này thì Đức Long vẫn thầm lặng cống hiến cho các buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa. Thỉnh thoảng rảnh, anh đi hát ở phòng trà, bởi vì "không gian này cho tôi cảm xúc khác khi đứng trên bục giảng hay đứng trên sân khấu lớn" - NSƯT Đức Long tâm sự.
Với Đức Long, âm nhạc chưa bao giờ là công cụ kiếm tiền, vì vậy, anh thừa nhận, mình thuộc loại nghệ sĩ nghèo: "Bao nhiêu năm làm nghề, cần mẫn, chăm chỉ, tôi chưa đủ tiền để mua một chiếc xe máy. Tôi cũng chẳng thể làm được việc gì khác ngoài việc đi hát". Dù thế hệ anh, nhiều ca sĩ đã nhà cao cửa rộng, gia thất đề huề, còn gia tài của anh là một căn nhà nhỏ nằm nép mình trên phố Lê Duẩn sầm uất.
Sau 35 năm cống hiến cho âm nhạc cả ở góc độ trình diễn lẫn đào tạo, anh mới có cơ duyên để tổ chức một đêm nhạc cho riêng mình. "NSƯT Đức Long - 35 năm hát tự tình" diễn ra vào ngày 26/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội là dịp để anh khoe giọng trong những ca khúc của Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Phú Quang... 25 ca khúc cho một đêm diễn với một nghệ sĩ gần bước vào tuổi 60 quả là dài, nhưng Đức Long tin rằng: "Ở thời điểm chín muồi như thế này, tôi đủ sức và đủ cả tình cảm để cống hiến". Anh mời 2 nữ nghệ sĩ Minh Thu và Nguyễn Ngọc Anh là khách mời không phải để gánh bớt trách nhiệm mà để bữa tiệc âm nhạc ấy nhiều màu, "để sân khấu không chỉ có hình ảnh một lão già" - Đức Long tếu táo nói.
Chắc chắn, nếu không có sự hỗ trợ của Công ty Tổ chức biểu diễn Thụy Nguyễn - người học trò của anh, giấc mơ về một liveshow "NSƯT Đức Long - 35 năm hát tự tình" sẽ còn xa lắm. Thế nên, Đức Long cho rằng, mình còn may mắn hơn rất nhiều anh chị đồng lứa có danh hiệu NSND, đã là tên tuổi lớn, cũng vẻn vẹn gần 50 năm tuổi nghề vẫn chưa thể tổ chức đêm nhạc nào. Trong khi lứa ca sĩ trẻ ngày nay, liveshow được tổ chức dễ như trở bàn tay, như là cách khuếch trương hình ảnh thì với lớp nghệ sĩ được coi là "già" như Đức Long, một đêm liveshow mang tên mình thật sự thiêng liêng và ý nghĩa. Với họ, liveshow không chỉ để tổng kết một chặng đường mà còn là đêm diễn có đọng lại gì cho khán giả? Chính vì vậy, NSƯT Đức Long cần 35 năm để mạnh dạn hát lên khúc hát tự tình của riêng mình.