Đoàn đã khởi hành trên một chuyến xe buýt BRT từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa; rồi từ đó lại lên một chuyến xe buýt thường, tuyến 02 Bến xe Yên Nghĩa - Bác Cổ.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội Phạm Đình Đoàn chia sẻ, đoàn đi trải nghiệm cả 2 loại hình buýt để có sự so sánh và đánh giá khách quan hiệu quả cũng như những khó khăn trong việc phát triển vận tải công cộng (VTCC) bằng xe buýt của Hà Nội.
Đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng trải nghiệm xe buýt |
Giám đốc Trung tâm Quản ý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện ngoài tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, TP còn có 109 tuyến buýt với gần 1.800 phương tiện, hơn 4.000 lái xe và nhân viên bán vé.
“Tháng 7 vừa qua, Hà Nội đã hoàn thành “phủ sóng” xe buýt có trợ giá trên toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Mỗi ngày xe buýt Thủ đô thực hiện trên 14.000 lượt vận chuyển, phục vụ bình quân 1,1 triệu hành khách/ngày” - ông Hải thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhất cho hay: “Tuy thời gian gần đây việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng đoàn phương tiện xe buýt đã được TP quan tâm, đầu tư mạnh mẽ nhưng hạ tầng dành riêng cho xe buýt vẫn còn quá ít, dẫn đến hiệu quả khai thác còn gặp nhiều hạn chế”.
Bên cạnh đó nhiều đại biểu còn nhấn mạnh đến hạn chế về tính kết nối giữa xe buýt và các phương thức đi lại của người dân; công tác tuyên truyền nhận thức về vai trò của VTCC đối với người dân còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, muốn giải bài toán UTGT và ô nhiễm môi trường của Hà Nội thì trước tiên phải có mạng lưới VTCC phát triển, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Ông Hồ Quang Lợi cũng đưa ra 4 vấn đề mà Hà Nội cần phải giải quyết nếu muốn phát triển VTCC. Đó là: Hạ tầng dành riêng cho xe buýt; thái độ của người dân đối với VTCC; các chính sách đối với VTCC; và hiệu quả sử dụng phương tiện xe buýt.
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, TP cần tạo ra những cú hích để thay đổi nhận thức của mỗi người dân, để họ thấy rằng không thể giải quyết vấn đề UTGT của Hà Nội nếu mỗi người một phương tiện cá nhân đi ra đường.
“Triển khai tuyến buýt BRT là một chủ trương đúng của Hà Nội. Tuy nhiên, TP cần tiếp tục nghiên cứu làm sao để kết nối buýt BRT và buýt thường hiệu quả hơn nữa”.
Cùng chung nhận thức, đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoàng cho rằng, TP của chúng ta có những đặc thù riêng về hạ tầng giao thông và thói quen đi lại của người dân. Chúng ta có thể nghiên cứu sử dụng các phương tiện nhỏ, phù hợp hơn với thực tế trên các tuyến buýt, kể cả BRT, miễn sao đạt hiệu quả cao nhất.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã thay mặt các đơn vị thực hiện VTCC của Hà Nội tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn đại biểu và cam kết sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, điều chỉnh để ngày càng nâng cao hiệu quả của VTCC bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô.