Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần cải cách quyết liệt và khoa học

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội của Nhà nước ta sau 60 năm có một số lần thay đổi, điều chỉnh nhất định. Tuy cũng có những mặt được, nhưng về cơ bản vẫn còn nhiều bất cập.

Đơn cử do cách điều chỉnh mang tính cục bộ, thể hiện sự chắp vá, thiếu bài bản cho nên mới sinh méo mó. Từ đó, dễ có sự so bì này nọ mà khi muốn giải thích một cách thuyết phục, quả là vô cùng khó đối với các cơ quan hoạch định chính sách.
 Toàn cảnh Hội nghị T.Ư lần thứ 7 Khóa XII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 7/5, Hội nghị T.Ư lần thứ 7 Khóa XII đã khai mạc với rất nhiều nội dung quan trọng. Dù còn bộn bề những vấn đề trọng đại cần được bàn thảo khi việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Khóa XII đã đi được gần nửa chặng đường nhưng Đảng vẫn dành nhiều thời gian bàn thảo về những bất cập kéo dài về chế độ tiền lương cũng như chế độ bảo hiểm xã hội gây cản trở cho sự phát triển của đất nước. Nếu không muốn đất nước tụt hậu và mong muốn trở thành động lực tích cực để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và năng suất lao động thì đó là điều cần làm ngay.

Thực tế hiện nay thu nhập của người lao động bình quân hưởng lương có tăng nhẹ theo từng năm, nhưng chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Theo khoản 1, Điều 91, Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhưng theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) những năm gần đây, lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 90% mức sống tối thiểu của người lao động. Một trong những mục tiêu đầu tiên của đề án cải cách lần này đó là sẽ điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất để tiệm cận với thị trường lao động, đảm bảo công chức, viên chức có thể sống được bằng tiền lương. Đó là điều rất đáng mừng tuy cũng không dễ nếu bộ máy của chúng ta vẫn quá cồng kềnh.

Tình trạng "con khóc mẹ cho bú" thi thoảng lại xuất hiện trong thang bảng lương của một số ngành . Nếu 50 - 60 năm trước, chỉ có lực lượng vũ trang mới có chế độ phụ cấp thâm niên, chỉ có công nhân lao động nặng và độc hại... có thêm phụ cấp lao động thì đến nay, trong hệ thống thang bảng lương của hệ thống chính trị chúng ta đã có hàng chục ngành nghề có phụ cấp thâm niên và phụ cấp lao động đặc thù. Nhưng nhìn trên toàn cục thì sự chắp vá này đã và đang làm biến dạng thang bảng lương hiện hành. Nó vô tình tạo ra sự bất công đối với người lao động khác, không khuyến khích được ở những ngành nghề còn lại tạo ra năng suất lao động cao cho xã hội.

Chính sách bảo hiểm xã hội đối với người nghỉ chế độ hưu trí cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thậm chí gần đây lại đang ở tình trạng báo động với những cảnh báo cho rằng, đã có nguy cơ vỡ quỹ nếu không kịp điều chỉnh. Nào là phải kéo dài tuổi lao động cho cả nam lẫn nữ; nào là phải tăng tỷ lệ thu trong lương khi còn đang công tác và tính mức trung bình của bao nhiêu năm cuối thì mới chịu nổi và tương xứng khi được hưởng lương hưu theo chế độ…

Việc tăng dần tuổi lao động và các giải pháp khác để củng cố nguồn quỹ bảo hiểm cũng không phải không có lý. Hy vọng tại Hội nghị T.Ư 7 này, nhiều nội dung quan trọng và thiết thực sẽ được đề cập và đạt kết quả tích cực, đưa đất nước ngày một phát triển.