Con số trên thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.
Đó là những phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống) theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Đứng đầu danh sách vi phạm phải kể đến Hợp tác xã dịch vụ vận tải Trường Hải, có 88 phương tiện xe container, đầu kéo thường xuyên vi phạm tốc độ, thậm chí, số lần vi phạm lên đến con số… hàng nghìn lần. Đứng thứ 2 trong danh sách là Hợp tác xã Đỗ Thành có 31 xe vi phạm trong đó có xe vi phạm tới 784 lần/tháng; và nhiều xe vi phạm từ 100 lần trở lên.
Với Hợp tác xã dịch vụ vận tải Đại Nam thường xuyên chạy xe hợp đồng, sai phạm về tốc độ cũng diễn ra như “cơm bữa”. Hộ kinh doanh Nguyên Văn Điệp có xe 29B.30083 chạy hợp đồng cũng vi phạm tới 387 lần; xe 29H.87054 của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hiếu cũng vi phạm tới 393 lần.
Bên cạnh đó, theo danh sách vi phạm, hàng loạt xe taxi cũng có số lần vượt tốc độ khủng với số lần cao nhất là 140 lần/tháng và thấp nhất là 7 lần.
Như vậy, việc nhà xe, lái xe phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm tốc độ gây tai nạn và tai nạn chết người là chuyện không ít và không mới.
Việc vi phạm tốc độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều các vụ tai nạn chết người trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới, có tới 40-50% lái xe vi phạm quy định về tốc độ. Tại các nước có thu nhập cao, tốc độ có liên quan đến 30% số người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong khi tại các nước có thu nhập thấp, tốc độ là nguyên nhân chính của số vụ TNGT.
Cùng với uống rượu bia khi lái xe, tốc độ cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Tốc độ phương tiện và nguy cơ xảy ra TNGT tỷ lệ thuận với nhau, tốc độ phương tiện càng cao, nguy cơ xảy ra TNGT càng lớn. Ngoài ra, tốc độ phương tiện cũng có mối quan hệ với hậu quả của vụ tai nạn và tỷ lệ thương tích đối với các nạn nhân.
Bởi vậy, việc đặt ra giới hạn tốc độ và cưỡng chế các lái xe thực hiện theo quy định về tốc độ là những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu các vụ TNGT và thương tích liên quan đến tốc độ.
Tuy nhiên, biện pháp xử lý đã có nhưng vẫn chưa thực sự hữu hiệu, dẫn đến tình trạng các nhà xe, các tài xế đang có tình trạng “nhờn mặt”.
Để xử lý triệt để tình trạng này, thiết nghĩ, bên cạnh những biện pháp đã tiến hành, cơ quan quản lý Nhà nước cần bổ sung, điều chỉnh quy định xử lý vi phạm theo hướng tăng nặng, quyết liệt hơn đối với các nhà xe có hành vi vi phạm nhiều lần, cố tình tái phạm. Việc thu hồi giấy phép kinh doanh, tạm đình chỉ… hay những biện pháp nặng tay hơn cũng nên sử dụng, như vậy may ra mới khiến những nhà xe “nhờn mặt” này nâng cao được ý thức chấp hành luật lệ giao thông.