Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự và tiếp đoàn có: Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Trong những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh. Hà Nội trở thành một trong các TP đi đầu cả nước về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thức, quy mô và chất lượng đào tạo. Đảm bảo cung cấp nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc. 
Một số dự án đầu tư nghề trọng điểm như các nghề: Điện công ngiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí cấp độ ASEAN của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; nghề Cơ điện tử cấp độ Quốc tế của trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đã bước đầu phát huy hiệu quả về chất lượng đào tạo, 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định.
Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng, đẩy mạnh coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đặc biệt, đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã dịch chuyển từ việc đào tạo ngành, nghề truyền thống sẵn có sang hướng đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu xã hội.
Lao động qua đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tăng lên hàng năm. Trình độ kỹ năng tay nghề của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, đã khẳng định được vị trí việc làm tại doanh nghiệp. Khoảng trên 70% học sinh, sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục, nghề nghiệp, số người có việc đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt 100%. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hàng năm của TP, đạt 63,8% năm 2018 hướng tới đạt 70 - 75% vào năm 2020.
Thời gian qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, đặc thù: Lao động nông thôn; lao động mất đất; người khuyết tật; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội; lao động thất nghiệp; người sau cai nghiện…
Đội ngũ giáo viên tại các trường cao đẳng, trung cấp ngày càng được phát triển đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết giáo viên đạt chuẩn trình độ nghiệp vụ sư phạm, sử dụng thành thạo kỹ năng soạn thảo gián án điện tử và ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy…
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa có sự ràng buộc chặt chẽ, hoạt động liên kết đào tạo chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia do chưa thấy được lợi ích từ những hoạt động này. Hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn dè dặt vì cho rằng đầu tư rất tốn kém, lợi ích doanh nghiệp thu được lại không nhiều; trong khi doanh nghiệp lại có thể tự đào tạo nhân lực cho mình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã điểm lại những thế mạnh của Hà Nội trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế trong công tác trên như: Vấn đề quy hoạch; chất lượng đào tạo lao động nông thôn; hướng nghiệp và phân luồng đào tạo nghề…
Thông qua buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc” để làm căn cứ triển khai thực hiện công tác quy hoạch này tại các địa phương. TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTB&XH cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho các đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học Trung cấp và tiếp tục liên thông trình độ Cao đẳng…
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt cũng như những thế mạnh của Hà Nội trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp thu những kiến nghị của TP Hà Nội, ông Triệu Thế Hùng đồng thời cũng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục triển khai tốt các mặt công tác liên quan như: Đào tạo, tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp...
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chỉ đạo Quy hoạch đối với các trường ngoài công lập; tăng cường tuyên truyền về phân luồng, định hướng nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức người dân; tạo cơ chế để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận được các trường phổ thông; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với các trường nghề; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp nhất là lĩnh vực CNTT; tăng cường công tác tự chủ cũng như đổi mới đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…