Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hướng quy hoạch hạ tầng trong Quy hoạch Thủ đô

Cần đánh giá rõ hiện trạng để có kịch bản phát triển đúng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với lĩnh vực hạ tầng, đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng cần thực hiện đánh giá rất rõ thực trạng, việc thực hiện quy hoạch ngành thời gian qua và phải đưa ra được dự báo phát triển dựa trên việc áp dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Chiều 5/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội cùng với Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô tổ chức tọa đàm về những nội dung, phương án phát triển lĩnh vực không gian đô thị - nông thôn, cấp, thoát nước, khu nghĩa trang và nguyên tắc, cách thức tích hợp các nội dung vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Liên danh tư vấn đã trình bày tóm tắt về hiện trạng và phương án phát triển các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng phụ trách gồm: phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn; phương án quy hoạch cấp, thoát nước; phương án sắp xếp và phân bổ nghĩa trang…

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại tọa đàm.

Về phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn Hà Nội, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thông Quốc gia nêu, định hướng phát triển Hà Nội thành phát triển vùng đô thị lớn, mang tầm quốc tế.  Đô thị trung tâm sẽ thực hiện bảo tồn, tái thiết, cùng với mở rộng phát triển mới gắn với chiến lược kinh tế.

Bảo tồn và tái thiết đô thị lịch sử tại các quận lõi, kiểm soát không gian cao tầng tại khu vực này. Tại các đô thị vệ tinh phát triển các khu vực đô thị mới theo mô hình đô thị vệ tinh, đổi mới sáng tạo. Phát triển mở rộng đô thị theo mô hình TOD, thông minh, gắn với hệ thống giao thông công cộng. Phát triển hệ thống không gian xanh, trục xanh gắn với các tuyến sông, đồng thời cụ thể hóa chiến lược hành lang xanh.

Về phương án cấp nước, đại diện Công ty Cổ phần nước và môi trường Việt Nam cho hay, Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào năm 2021. Do đó, Quy hoạch Thủ đô có thể cập nhật, tích hợp những định hướng phát triển và các chỉ tiêu tại Quy hoạch điều chỉnh này.

Theo đó, về nguồn cấp quy hoạch định hướng ưu tiên khai thác sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống; giảm dần khai thác nguồn nước ngầm, nguồn nước ngầm dự trữ cấp nước an toàn. Về tổng nhu cầu dung nước đến năm 2025 là 2.333.000m3/ngđ, đến năm 2030 là 2.770.000m3/ngđ, đến năm 2050 là 3.390.000 m3/ngđ.

Đề xuất phát triển lĩnh vực này, đơn vị tư vấn nêu cần điều chỉnh hệ thống mạng cấp nước phù hợp với định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Cập nhật các dự án đang triển khai, lựa chọn dự án ưu tiên phát triển phù hợp với định hướng Quy hoạch Thủ đô.

Phương án quy hoạch xử lý nước thải được đề xuất.
Phương án quy hoạch xử lý nước thải được đề xuất.

Đối với lĩnh vực thoát nước, đơn vị tư vấn nêu quan điểm sẽ kế thừa, điều chỉnh hệ thống thoát nước theo Quy hoạch 725 đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xử lý phân tán, phân kỳ đầu tư phù hợp. Cập nhật các dự án đang triển khai. Lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với định hướng quy hoạch Thủ đô

Về quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ, đơn vị tư vấn đã đưa ra đề xuất thay đổi loại hình an táng, nơi an táng (sang các tỉnh lân cận). Đánh giá lại khả năng đáp ứng quỹ đất của TP, đề xuất hình thức táng, công nghệ táng phù hợp. Đối với những nghĩa trang không thể triển khai, cần phối hợp địa phương để xác định giải pháp vị trí thay thế mới đảm bảo phục vụ nhu cầu táng theo phân vùng phục vụ.

Đối với các nghĩa trang Nhân dân ở khu vực nông thôn sẽ rà soát các nghĩa trang đảm bảo yêu cầu về chất lượng vệ sinh và có khả năng mở rộng, giữ lại, cải tạo phục vụ nhu cầu cát táng tại từng địa phương. Xây dựng chính sách về quản lý nghĩa trang.

Đối với nhà tang lễ, có thể xem xét tích hợp vào các cơ sở tôn giáo hiện có trong khu vực nội đô, chẳng hạn như nhà thờ, chùa, đền, hoặc cơ sở tôn giáo khác. Điều này sẽ tận dụng không gian và cơ sở hạ tầng đã có, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức tang lễ. Nếu không khả thi để xây dựng nhà tang lễ trong khu vực nội đô, có thể xem xét các phương án thay thế như khu vực vành đai ngoại ô hoặc các khu vực lân cận. Điều này sẽ đòi hỏi các giải pháp về giao thông và hỗ trợ di chuyển để đảm bảo sự thuận tiện cho gia đình, người tham dự tang lễ.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu thảo luận.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu thảo luận.

Tại tọa đàm, lãnh đạo Sở Xây dựng, các chuyên gia đã tham gia thảo luận, làm rõ thực trạng việc thực hiện quy hoạch cấp, thoát nước, nghĩa trang trên địa bàn TP. Phân tích rõ các vấn đề đã thực hiện được, những quy hoạch nào chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển, vấn đề đặt ra cần giải quyết. Từ đó, đưa ra những ý kiến đóng góp để đơn vị tư vấn tiếp thu bổ sung, hoàn thiện các ý tưởng quy hoạch trong từng lĩnh vực để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đảm bảo sát thực hiệu quả. Trong đó, lưu ý đơn vị tư vấn cần phân tách từng nội dung để nghiên cứu, cụ thể cần chia rõ các vấn đề thuộc về ý tưởng quy hoạch và vấn đề thuộc về giải pháp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu, Liên danh tư vấn, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ Xây dựng, để thực hiện tốt song hành hai quy hoạch lớn của TP.

Trong đó, lưu ý việc thực hiện tích hợp các lĩnh vực, ngành phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi cao vào Quy hoạch Thủ đô. Phương án quy hoạch các lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô cần đảm bảo sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và thứ bậc trong hệ thống. Do đó, yêu cầu các Sở ngành TP cần bám sát Bộ ngành TƯ để cập nhật thường xuyên quan điểm chỉ đạo của ngành, lĩnh vực vào phương án quy hoạch. Bên cạnh đó, các phương án đề xuất tích hợp phải đảm bảo để bản Quy hoạch có được tính “động, mở, thông minh”, từ đó, có thể thường xuyên cập nhật xu hướng phát triển.

Đối với lĩnh vực hạ tầng, quản lý đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng cần thực hiện đánh giá rất rõ thực trạng,  việc thực hiện quy hoạch và phải có được dự báo phát triển dựa trên việc áp dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Có như vậy thì mới có thể xây dựng đô thị Hà Nội là một đô thị thông minh như các Nghị quyết 06, Nghị quyết 15 đã định hướng.

“Sau buổi làm việc này, đơn vị tư vấn cần tổng hợp toàn bộ ý kiến chuyên gia chuyển cho Sở Xây dựng, trên cơ sở đó, Sở Xây dựng xem xét tham gia nội dung cụ thể, đề xuất các phương án. Viện Nghiên cứu kinh tế  - xã hội Hà Nội và đơn vị tư vấn để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch báo cáo TP” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.