Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần đồng bộ từ chương trình đến phương pháp trong dạy và học tiếng Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho trẻ học tiếng Anh theo phương pháp giao tiếp mang lại kết quả cao, nhiều trẻ tiểu học có thể nghe nói tiếng Anh lưu loát.

Tuy nhiên, mặt trái của việc chú trọng giao tiếp để lại nhiều ảnh hưởng trong học tập, công việc sau này. Thế nên, cô Nguyễn Nga - giảng viên bộ môn tiếng Anh, Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội khẳng định, để dạy, học tiếng Anh hiệu quả, không chỉ dạy nghe - nói, mà cần chú trọng cả ngữ pháp. Đặc biệt, phải có sự đồng bộ từ chương trình đến phương pháp dạy, chú trọng liên thông từ tiểu học đến THCS, THPT.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cô Nguyễn Nga cho biết thêm: “Ngữ pháp được xem như xương sống của ngôn ngữ, ngữ pháp phải hoạt động cùng giao tiếp mới tạo cho môn học hoàn chỉnh. Vì vậy, trẻ cần được học ngữ pháp một cách bài bản và toàn diện ngay từ tiểu học. Tuy nhiên, sách giáo khoa tiếng Anh chưa hướng dẫn rõ ràng khiến giáo viên gặp khó khăn. Bên viết chương trình của Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể hơn chuẩn mực trong việc dạy – học cho giáo viên, học sinh. Ngoài ra, mặt trái của việc quá chú trọng giao tiếp, bỏ qua ngữ pháp là trẻ bị thiếu hụt những kiến thức ngữ pháp, những kỹ năng học tập cơ bản khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp chương trình học ở cấp 2. Trẻ mắc nhiều lỗi hệ thống sẽ khó sửa, để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài trong học tập.

Lứa tuổi lý tưởng nhất để bắt đầu học ngữ pháp một cách bài bản là từ 8 - 10 tuổi. Ở lứa tuổi này, nhận thức của trẻ đã phần nào đủ để hiểu được những giải thích về lý thuyết ngữ pháp cơ bản từ giáo viên và vận dụng chúng vào ngôn ngữ mà trẻ sử dụng. Việc giải thích, phân tích các yếu tố ngữ pháp cụ thể một cách rõ ràng là cần thiết để trẻ có được vốn ngôn ngữ phong phú, chính xác sau này. Bên cạnh đó, học tiếng Anh phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngữ pháp với giao tiếp. Viết được cũng phải nói được, nghe được và phải vận dụng được thực tiễn… Đặc biệt, phải có sự đồng bộ từ viết sách, chương trình đến phương pháp giảng dạy, phải đồng bộ hóa từ cấp tiểu học đến THCS và THPT… nếu không sẽ rất khó hoàn thiện môn học cho cả giáo viên và học sinh”.