Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần gỡ vướng mắc tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội bằng giải pháp thực tế

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, các bộ, ngành liên quan chỉ đưa ra ý kiến chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề. Điều này dẫn đến, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn cũng như chi phí bị đẩy cao, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Depot Nhổn thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 Nhổn - ga Hà Nội. 

Nhóm vướng mắc

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn gửi Bộ Xây dựng, Bộ GTVT về việc lấy ý kiến đối với đề xuất phân công chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội (metro Nhổn - Ga Hà Nội) của Bộ KH-ĐT.

Theo đó, nhằm sớm giải quyết những vướng mắc tại dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ KH - ĐT cho rằng cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý.

Nhận định của Bộ KH-ĐT cho thấy, các nhóm vướng mắc liên quan đến việc xử lý hợp đồng tại dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội gồm sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) với quy định pháp luật Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; hợp đồng tư vấn trọn gói của Systra (Pháp).

Cũng theo Bộ KH-ĐT, trong thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều ý kiến góp ý với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ các vướng mắc nói trên. Song, các ý kiến góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

Do vậy, để sớm giải quyết những vướng mắc của dự án, Bộ KH-ĐT cho rằng, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền.

 Công tác thử nghiệm an toàn vận hành đoàn tàu.

Giảm sức ép nhà thầu

Theo lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội (MRB) - đại diện chủ đầu tư, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, sự tăng cường phối hợp của các sở, ngành và địa phương liên quan, thời gian vừa qua tiến độ dự án đã có nhiều chuyển biển tích cực.

Tuy vậy, vướng mắc vẫn khiến tiến độ chung của dự án bị ảnh hưởng rất nhiều dẫn đến các yêu cầu bồi thường bằng tiền từ nhà thầu. Số tiền bồi thường do chậm trễ bàn giao mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, ảnh hưởng tới dòng vốn lên đến hàng chục triệu USD.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 9/2021, UBND TP Hà Nội cho biết, trong quá trình gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu nước ngoài đã lợi dụng tính cấp thiết về tiến độ dự án, tiến độ vận hành để gây sức ép lên chủ đầu tư bằng chiến thuật chậm trình hồ sơ, đẩy chi phí phát sinh lên cao bất hợp lý.

Các nhà thầu cũng thiếu hợp tác với MRB và tư vấn trong việc làm rõ các đề xuất, thậm chí đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế, khiến các bên mất thời gian xử lý sự vụ, ảnh hưởng đến tiến độ những công việc chính.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, những vấn đề gây ảnh hưởng tiến đô dự án có sự góp mặt của nhà thầu quốc tế sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Do áp dụng luật quốc tế, vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng.

Nếu không chịu phạt, không thoả thuận được, nhiều nhà thầu sẽ chọn phương án dừng thi công gây để gây áp lực. Tại dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội tình trạng này đã từng diễn ra, rất khó để MRB vừa thực hiện dự án, vừa giải quyết các vướng mắc mà trong đó cần sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành. Do đó, đề xuất thiết lập đầu mối tháo gỡ nhóm khó khăn của dự án, là rất cần thiết xét trên thực tế tại thời điểm này.

Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội là công trình đường sắt đô thị đầu tiên do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải hoàn thành vào năm 2018, nhưng do việc GPMB và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi toàn tuyến chậm tiến độ dự án được kéo giãn. Hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,41%; đoạn ngầm đạt 32,2%).