Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, quyết toán Quỹ BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, TP và Bộ Quốc phòng có kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tổng số là 5.838 tỷ đồng. Theo quy định, phần 20% được để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng.
Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép 11 tỉnh, TP được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020.
Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT. Tuy nhiên, qua thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho biết, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, TP được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT là vượt quy định của Luật BHYT, do đó, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ về vấn đề này, vấn đề kỷ cương kỷ luật phải đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc ở tất cả các tỉnh; chỉ rõ việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua do đâu mà dẫn đến việc chậm này. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần phải có cơ sở giải thích thuyết phục hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc đồng ý cho phép 11 tỉnh, TP được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2015 đến hết ngày 30/6/2020 thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm vì sao nhiều tỉnh khó khăn nhưng thực hiện rất tốt, còn 11 tỉnh (đều là những tỉnh phát triển) lại không thực hiện được theo đúng tinh thần của Luật. Đồng thời giao Ủy ban Tài chính và Ngân sách thẩm tra chính thức và Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.