Cần mở rộng thành phần hội đồng tư vấn trong giám sát, phản biện xã hội

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội”. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý tham dự tọa đàm.

Ngày càng đổi mới, sáng tạo
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, MTTQ TP Hà Nội đã thực hiện tốt các hình thức giám sát như: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn giám sát.
 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại tọa đàm. 
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của MTTQ TP còn thông qua các ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong năm 2019, các ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 4.017 cuộc giám sát đối với các công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Các ban Thanh tra nhân dân và ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã đề nghị thu hồi ngân sách nhà nước hơn 58 triệu đồng và 5.699m2.
Trên cơ sở đề nghị của HĐND TP, MTTQ TP đã tổ chức phản biện những nội dung, vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Hoạt động phản biện xã hội thời gian qua ngày càng được đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện, các ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận được chính quyền tiếp thu, điều chỉnh khi đưa ra quyết định chính thức để triển khai thực hiện. Trong năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP đã tiến hành khảo sát thực tế và tổ chức 6 hội nghị biện xã hội và 2 phản biện bằng hình thức lấy ý kiến văn bản đối với dự thảo Nghị quyết, Đề án quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân trên địa bàn TP...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội có lúc, có nơi còn thực hiện hình thức, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội chưa cao nên chưa đánh giá đúng kết quả giám sát, phản biện xã hội.
Cần sự phối hợp chăt chẽ

Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm nhằm đã tập trung nêu thực trạng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận; công tác phối hợp của Mặt trận với Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các phòng, ban chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hiện nay. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát của MTTQ với các cơ quan, tổ chức hữu quan; những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong thời gian tới. Việc tiếp thu, phản hồi những ý kiến phản biện xã hội của MTTQ; giải pháp để thu hút, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, người uy tín, thành viên MTTQ và người dân... tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị MTTQ các cấp của TP cần mở rộng thành phần tham gia các hội đồng tư vấn để thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức giám sát khi có dư luận xã hội, khi có vụ việc phức tạp trên địa bàn TP; tăng cường góp ý qua dư luận, thông tin xã hội.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh cao các ý kiến phát biểu đã đánh giá kỹ thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Các kiến nghị và giải pháp được các đại biểu đưa ra rất xác đáng. Tiếp thu các ý kiến liên quan đến thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP sẽ nâng cao nhận thức của cơ quan giám sát và chính quyền; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa MTTQ TP với UBND TP để thực hiện giám sát, phản biện các vấn đề như đầu tư, đất đai, môi trường, cũng như thực hiện tốt hơn việc tiếp thu sau giám sát.