Cần nghiêm trị hành vi dùng mạng ảo làm sai lệch bản chất vụ án ở Đồng Tâm

Hà Thanh - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội đang là công cụ được không ít đối tượng lợi dụng nhằm tung tin thất thiệt, không kiểm chứng về vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đang được xét xử. Qua đó, tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định tình hình an ninh trong nước cũng như tạo ra cái nhìn sai lệch của quốc tế đối với Việt Nam.

Đánh tráo sự thật trên môi trường mạng
Vào ngày 7/9 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Vụ án được cả trong và ngoài nước quan tâm bởi tính chất, mức độ của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Vụ việc diễn ra hồi tháng 1/2020 này cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi tính chất manh động, lừa mị người dân tham gia các hoạt động phạm pháp cực kỳ nghiêm trọng.
Cũng tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều tỏ ra hối hận, thừa nhận hành vi sai trái trong vụ việc nói trên cũng như thừa nhận do có nhận thức kém, không có hiểu biết, bị kích động, lôi kéo nên đã tham gia. Các bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an hy sinh, đồng thời, bày tỏ mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đây chính là những thừa nhận rõ ràng nhất về tính sai trái, vi phạm pháp luật của “Tổ đồng thuận” do đối tượng Lê Đình Kình đứng đầu.
Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến tại phiên tòa cũng như hàng loạt tài liệu, chứng cứ được cơ quan chức năng đưa ra nhằm làm rõ hành vi phạm tội trắng trợn của các bị can, nhiều đối tượng vẫn cố tình đội lốt “nhân dân”, “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm lèo lái thông tin khiến người dân hiểu sai về bản chất vụ án. Lợi dụng tích chất lan truyền nhanh cũng như khó kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, các đối tượng trên đã sử dụng những mạng xã hội như Facebook để bẻ cong sự thật, vu khống, bịa đặt nhiều thông tin sai lệch về phía cơ quan chức năng cũng như chính quyền.
Không ít địa chỉ Facebook cố tình đưa thông tin xuyên tạc nhằm nhiễu loạn thông tin vụ Đồng Tâm.
Có thể dễ dàng kể ra một loạt hội nhóm trên mạng xã hội có tính chất như trên như “Phủ Khai Phong”, “Lều của đầy tớ”... hay các địa chỉ Facebook cá nhân như “MinhTuan Nguyen”, “Nguyễn Phú Yên”... Đặc điểm chung của những trang mạng xã hội này là đều đưa ra các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, bênh vực cho các đối tượng phạm pháp và cố tình lờ đi các hành vi có tính chất man rợ mà những đối tượng này đã gây ra. Những bình luận phía bên dưới cũng thể hiện rõ động cơ của chủ nhân của bài viết, nếu có ý kiến đồng thuận sẽ được khen ngợi và chia sẻ hết lời, tuy nhiên nếu ai đó đưa ra những chia sẻ có tính khách quan, đúng bản chất vấn đề sẽ bị quy chụp là “dư luận viên”, kèm theo đó là hàng loạt ngôn từ xúc phạm.
Chưa dừng lại ở đó, không ít những trang báo nước ngoài vốn có cái nhìn tiêu cực về Việt Nam như: BBC, VOA, RFA... cũng lợi dụng phiên tòa này để đăng tải hàng loạt các bài viết một chiều, quy chụp cho cơ quan chức năng với mục đích gây nhiễu loạn thông tin, mất đoàn kết nội bộ cũng như tạo cái nhìn không đúng về Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Đồng thời những hành động như trên cũng ẩn chứa âm mưu muốn quốc tế hóa vụ Đồng Tâm, vụ việc vốn chỉ là vấn đề nội bộ của Việt Nam, cần phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Mặc dù, mạng xã hội là ảo nhưng hành vi lại là thật, vì vậy những hành động lợi dụng vụ án Đồng Tâm để tung tin giả mạo, bịa đặt, đặc biệt là mưu đồ gây mất ổn định tình hình trong nước đều sẽ phải trả giá trước pháp luật. Điển hình cho trường hợp này là đối tượng Chung Hoàng Chương (43 tuổi; sống tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chủ tài khoản Facebook Chương May Mắn, vào tháng 4/2020 đã bị kết án 18 tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, trước đó vào 1/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều đã tiến hành kiểm tra tài khoản Facebook do Chương quản lý và sử dụng, đồng thời phát hiện có 16 bài viết được trích xuất thành 101 trang tài liệu in trên giấy A4, chứa nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, trong đó có nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Phải nghiêm trị những kẻ sát nhân
Ngày 6/9, trao đổi với báo chí về vụ án ở Đồng Tâm, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Công an cho biết: “Trước diễn biến tình hình tại xã Đồng Tâm, để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng đoạn qua xã Đồng Tâm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn an ninh trật tự và các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và nhân dân xã Đồng Tâm, UBND TP Hà Nội phê duyệt triển khai các kế hoạch, phương án, xác định 2 khu vực trọng điểm phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, đó là: Khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn; trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, trường học, nhà riêng cán bộ, quần chúng nhân dân khu vực xã Đồng Tâm.
Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm
Khi biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng”, pháo sáng, lựu đạn (ném 3 quả lựu đạn, 1 quả nổ, 2 quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy 3 đồng chí Công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi 3 đồng chí Công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3 - 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ Công an hy sinh.

Trước hành vi phạm pháp quả tang và sự ngoan cố của các đối tượng sau nhiều lần phát loa tuyên truyền vận động, lực lượng làm nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp trấn áp, ngăn chặn theo quy định của pháp luật; bắt giữ và triệu tập các đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và ngày 5/6/2020 đã kết luận điều tra vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội”.
Quá trình điều tra đã chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, khẳng định hành vi giết người dã man, vô nhân tính đối với 3 cán bộ Công an và chống người thi hành công vụ, đồng thời làm rõ các tình tiết liên quan: Việc khiếu nại, tố cáo tại xã Đồng Tâm đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; những hành vi chống đối là của một nhóm nhỏ đối tượng, đại đa số nhân dân xã Đồng Tâm rất bức xúc và đề nghị chính quyền phải xử lý nghiêm; các cấp chính quyền đã nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại nhưng các đối tượng vẫn kiên quyết chống đối…
Theo diễn biến, ngày 7/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh… Về vụ án này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đây là vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng đã lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị vũ khí, hung khí nguy hiểm để đối phó với các lực lượng thực thi nhiệm vụ. Xét hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội Giết người và tội Chống người thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, d, n, o Khoản 1 Điều 123 và Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, về nguyên tắc, khi quyết định hình phạt phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hình phạt tử hình được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội Giết người khi xét thấy không có khả năng giáo dục cải tạo, là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực và không còn tính người. Trong vụ án này, với hậu quả 3 chiến sĩ công an hy sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng vẫn phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình.
Đối với thông tin các đối tượng ở nước ngoài gửi tiền cho các đối tượng ở xã Đồng Tâm thực hiện hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng, khủng bố, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, cơ quan CSĐT có thể tiến hành khởi tố đối tượng quốc tế, đồng thời phối hợp với công an nước ngoài bắt giữ, xử lý đối tượng tài trợ tiền về hành vi Khủng bố và tội tài trợ khủng bố theo qui định.
Cũng theo Luật sư nhận định, các đối tượng đã bị khởi tố tội Giết người, Chống người thi hành công vụ, Tàng trữ vũ khí quân dụng có thể sẽ bị khởi tố bổ sung về tội Khủng bố theo Điều 299 Bộ luật Hình sự… “Tài trợ khủng bố là việc huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố theo quy định tại khoản 1, Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Nói về tội ác giết người, sự man rợ của của những kẻ nổi loạn ở Đồng Tâm, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh: Hành vi của nhóm đối tượng là rất đáng lên án, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi chính quyền đã tạo cơ hội vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không áp dụng triệt để các chế tài của pháp luật nhưng nhiều đối tượng vẫn còn ngoan cố, chống đối và hung hãn hơn… Một số đối tượng quá manh động sử dụng cả lựu đạn, bom xăng, dao phóng... để chống lại lực lượng chức năng. Bởi vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để các đối tượng trước pháp luật.

Bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi của nhóm đối tượng trong vụ án ở Đồng Tâm, ông Nguyễn Thạc Lưu (ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng: "Hành vi của các đối tượng trong vụ án này mà chủ mưu là Lê Đình Kình biểu hiện rõ ràng của ý đồ chủ động khủng bố, tấn công người thi hành công vụ với kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

Trong kế hoạch của các đối tượng có lựu đạn, bom xăng, hố sâu và dao phóng lợn... nghĩa là người ta đã lên phương án tỉ mỉ với những cách thức tấn công man rợ như thời trung cổ đã dẫn tới hậu quả là 3 chiến sĩ hy sinh... Thật đau xót khi 3 chiến sĩ công an hy sinh ngay giữa thời bình. Sự hy sinh của họ khiến người dân bàng hoàng đau đớn và phẫn nộ. Hành vi vô pháp, vô thiên coi thường pháp luật, khinh rẻ mạng người khiến cả xã hội lên tiếng đòi hỏi phải trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ sát nhân...".