Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân nhắc thời hạn sử dụng đất tại các đặc khu

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự Luật sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

 Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại hội nghị.
Dự thảo luật gồm 6 chương, 88 điều, quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của nhà nước tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là Điều 32 về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu quy định: Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, cả 3 khu này đều có vị trí cực kỳ quan trọng, do đó, thời hạn sử dụng đất như vậy là quá dài, không thể biết được tương lai thế nào.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, thời gian thuê đất kéo dài đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh nhiều thứ như về đất đai, về lao động, môi trường… Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, việc miễn giảm thuế cần xem xét cẩn trọng để quy định phù hợp hơn, không nên quá ưu đãi vì đây vốn là những vùng lãnh thổ có nhiều ưu thế để thu hút đầu tư…

Phát biểu kết luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Bùi Huyền Mai khẳng định, tiếp thu đầy đủ các ý kiến ĐB để tổng hợp ý kiến trình lên cơ quan thẩm tra của Quốc hội xem xét, bổ sung vào Dự Luật.