70 năm giải phóng Thủ đô

Thủ tướng chủ trì Hội nghị tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ:

Cần phát huy tối đa tiềm năng con người, truyền thống văn hóa – lịch sử

Duy Anh
Chia sẻ Zalo

Chiều 26/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn, thách thức, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của một vùng, một địa phương, một ngành, một lĩnh vực và của cả nước. 

Thủ tướng cho biết hiện nay trong số 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, có 107/111 (đạt 96,6%) quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt. Do đó, việc triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này là có rất nhiều thuận lợi để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng, cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai nghiên cứu các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo và xin ý kiến tham gia của Hội đồng điều phối vùng đối với nội dung quy hoạch vùng. Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố, thành viên Hội đồng điều phối vùng, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tiến hành thảo luận, cho ý kiến về: Quan điểm phát triển, phương hướng phát triển của toàn vùng, làm sâu sắc thêm các giải pháp được đề cập trong quy hoạch vùng, để Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch vùng, trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng lưu ý, các quy hoạch cần phát huy tối đa tiềm năng con người, truyền thống văn hóa – lịch sử, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực phát triển, đồng thời, khai thác tốt nhất điều kiện tự nhiên. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta và của vùng. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm xây dựng quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là để chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng; xác định và giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tổ chức không gian phát triển vùng khoa học, hợp lý nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển vùng nhanh và bền vững; là cơ sở để các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Quy hoạch vùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và 16 Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được thẩm định, hoàn thiện để trình phê duyệt.

Trong quá trình lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Khung Định hướng quy hoạch từ tháng 12 năm 2021, tổ chức các hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 6 địa phương trong vùng; làm việc với các đơn vị quản lý chuyên môn của các bộ, ngành để thống nhất về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; rà soát, tham chiếu với các định hướng lớn quy hoạch của các địa phương trong vùng đã được lập, thẩm định để hoàn thiện dự thảo quy hoạch vùng. 

Ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, 6 địa phương trong vùng và 5 địa phương liền kề. 

Trên cơ sở tiếp thu hợp lý các ý kiến tham gia, ngày 3/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng kèm theo hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tham gia ý kiến thẩm định theo quy định.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng với quan điểm "chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển vùng nhanh và bền vững" nhằm tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng trong thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. 

Vùng Đông Nam Bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022) và là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. 

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỉ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, gấp 1,8 lần trung bình cả nước.