Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC, các nhà trường khẳng định hiệu quả mang lại từ mô hình trường CLC rất tích cực. Mô hình đã mang lại chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của HS cũng như đáp ứng được mong muốn của phụ huynh HS trước thời kỳ hội nhập… Tuy nhiên, các nhà trường cũng kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồng thời thực hiện theo lộ trình giảm dần mức đầu tư từ nay đến năm 2020. Tạo cơ chế linh hoạt, cho các trường được tự chủ trong tuyển sinh; tuyển giáo viên cũng như tạo điều kiện để các nhà trường tự chủ đối với việc xây dựng thời khóa biểu các môn học… Với các trường công lập như: Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên); trường THCS Nam Từ Liêm, (quận Nam Từ Liêm) đều có chung nhận định, chất lượng học sinh (HS) của trường đã có sự khác biệt rõ rệt so với HS các trường công lập. Ngoài giảng dạy văn hóa, các trường chú trọng phát triển năng lực nổi trội của HS… Theo đại diện trường THPT Phan Huy Chú, ngoài chú trọng chất lượng giảng dạy, trường đã xây dựng những chương trình liên kết, cấp chứng chỉ quốc tế như chứng chỉ tin học, tiếng Anh, kỹ năng sống cho HS. Song, do mức trần học phí theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND được điều chỉnh tăng theo từng năm, do đó, sĩ số HS vào trường năm học 2015 – 2016 ở một số trường công lập giảm hơn so với 2 năm đầu khi mới thực hiện thí điểm mô hình trường CLC. Cũng chỉ ra những khó khăn trong triển khai trường CLC, đại diện trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) cho biết, tuyển sinh 2 năm (2014, 2015) đều vượt, năm nay với mức học phí cao hơn nên tuyển chỉ đạt 80% kế hoạch. “Học CLC có khác biệt với các trường khác: HS khác biệt lớn, ngoài lĩnh vực văn hóa thì tự tin, thể hiện được năng lực nổi trội do dạy học theo tiếp cận năng lực HS. Tuy nhiên, học phí cao (3,2 triệu đồng/ HS/tháng) cũng là những rào cản khi tuyển sinh. Nếu không có hỗ trợ kinh phí, học phí tăng cao sẽ gây nhiều ý kiến, khó phát triển ổn định CLC” – đại diện trường này chia sẻ. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ghi nhận những kiến nghị của các nhà trường. Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng đề nghị Sở GD&ĐT tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình thực hiện trường CLC, trong đó nêu rõ thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và phương hướng cũng như giải pháp trong thời gian tới, đề xuất, kiến nghị để TP trình HĐND… “Hy vọng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng thêm 20 trường CLC từ nay đến năm 2020 và đạt được mục tiêu lâu dài của Bộ GD&ĐT về đổi mới căn bản GD&ĐT để chất lượng HS Thủ đô ngày càng nâng lên” – Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh.