Những quy định cụ thể trong Dự thảo này vẫn đang được tranh luận về tính hợp lý hay không. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, việc có một nghị định mới để siết chặt hoạt động đòi nợ thuê, tránh tái diễn tình trạng mất an ninh, đập phá, cưỡng ép, bắt giữ “con nợ” trái pháp luật vẫn xảy ra lâu nay là điều cần thiết.Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 104 của Chính phủ được đánh giá đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã được tăng cường hơn, qua đó kiểm soát chặt chẽ điều kiện thành lập, hoạt động đối với DN kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, cũng bởi tính chất nhạy cảm của hoạt động này, sự quản lý chưa thực sự hiệu quả nên các vi phạm về an ninh, trật tự vẫn xảy ra. Thực tế, chỉ cần tra trên mạng, có thể thấy dịch vụ này hoạt động rất sôi động với vô số những dòng quảng cáo như: "Đòi nợ uy tín, nhanh chóng" hay "Đã nợ phải đòi - Đòi phải trả"... Một vài công ty còn đưa ra hứa hẹn đòi được tiền ngay cả khi con nợ đã bỏ trốn hoặc có gia thế "khủng"… Như nhiều chuyên gia đã nhận định, kinh doanh đòi nợ đã biến tướng, có sự tham gia của xã hội đen, nhân viên hành xử kiểu côn đồ, bắt giữ người trái pháp luật. Không ít câu chuyện, hành vi cưỡng đoạt tài sản, vi phạm pháp luật đã xảy ra cùng với những hệ lụy khó kiểm soát trong hoạt động kinh doanh đòi nợ.Bởi thế, việc sửa đổi quy định pháp luật mà ở đây là Nghị định đang được lấy ý kiến để làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này là cần thiết. Việc Nghị định sửa đổi lần này nêu rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động này vào nền nếp. Bởi chỉ có công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động này.Tuy những quy định liên quan đến các nội dung cụ thể như chủ nợ có phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật hay không; điều kiện thành lập DN; quy định về đồng phục của loại hình kinh doanh này… vẫn đang là vấn đề “nóng” được tranh luận với những quan điểm khác nhau. Dù quy định theo hướng nào, nhưng đúng như nhiều ý kiến nhận định, khi kinh doanh đòi nợ được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ thì tương tự như các hoạt động cung cấp dịch vụ khác, DN sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Và với những tác động xã hội, an ninh trật tự của hoạt động này, để tránh những hệ lụy, việc yêu cầu các tiêu chuẩn, tiêu chí của người quản lý và lao động đòi nợ thuê cũng cần được rà soát và xem xét thấu đáo, tránh tình trạng đòi nợ kiểu giang hồ và giữ gìn uy tín cho hoạt động này.Mặt khác, vấn đề thực thi các quy định cũng phải được chú trọng hơn, công tác giám sát của cơ quan quản lý cần chặt chẽ hơn để chấn chỉnh tình trạng méo mó, phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu trong dịch vụ đòi nợ thuê. Đồng thời, tạo môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, phát huy những mặt tích cực của hoạt động này trong thực tế.