Cùng với những chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động được đánh giá là rất cần thiết trong thời điểm này.
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang hiện hữu trong nhiều mặt của đời sống, đặc biệt đến sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn. Đợt dịch sau nguy hiểm, phức tạp hơn đợt trước, việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng nhận định của nhiều chuyên gia, ban đầu công nhân lao động nghỉ việc với mức lương, thu nhập giảm, nhưng nếu lâu dài sẽ không có tiền trang trải cuộc sống, nguy cơ mất việc và đói nghèo rất cao.Để bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong thời gian qua, rất nhiều giải pháp đã được thực thi. Từ các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động, đến các chính sách cụ thể hơn để trực tiếp trợ giúp người lao động. Qua đó, tạo nền tảng góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã có những hiệu quả tích cực, song thực tế việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, những con số được dẫn ra cho thấy, tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt mới thực hiện được khoảng 36,5%, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chỉ thực hiện được khoảng 0,26%.... Như nhiều ý kiến nhận định, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ...Bởi thế, việc triển khai nhanh các gói hỗ trợ này, tiếp cận được nhiều hơn nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn là công việc trước mắt. Nhưng lâu dài hơn, những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động là việc cần được quan tâm đặc biệt. Trong Chỉ thị 16, rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ đặt ra và yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện. Trong đó, nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Cùng với đó, quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động rất cần thiết để giải quyết những khó khăn lâu nay đã được nói đến nhiều.Có thể nói rằng, những chỉ thị, quan điểm chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ, cùng với việc chủ động có kịch bản, phương án, giải pháp phù hợp, kịp thời đối với những vấn đề mới phát sinh, sẽ góp phần thúc đẩy DN, người lao động vượt khó, bảo đảm an sinh xã hội.