Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật
Ông Huỳnh Hoàng Mến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cho biết: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 của TP Cần Thơ đạt hạng 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2021. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố được nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, được đánh giá “Chất lượng cao nhất trong 63 tỉnh, thành”.
Tháng 6 vừa qua, UBND TP đã ban hành danh mục nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm tại một số Sở, ngành, địa phương với 33 nhiệm vụ và 09/24 cơ quan đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Kết quả đến nay đã hoàn thành 9/33; đang thực hiện 24/33 nhiệm vụ.
Cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội của TP đều tăng hạng. Một số kết quả nổi bật khác như: Sở Nội vụ đã hoàn thành triển khai Hệ thống quản lý cán bộ, công chức và viên chức và đang trong giai đoạn đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức và viên chức lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức và viên chức; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tỷ lệ 100%.
Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành triển khai Trợ lý ảo Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành triển khai phần mềm quản lý thư viện (MyLib) đến các thư viện quận huyện trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, UBND quận Bình Thủy và UBND huyện Phong Điền đã triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh tại UBND quận, huyện; UBND quận Ô Môn đã hoàn thành triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM cho 25/25 cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông; UBND huyện Vĩnh Thạnh đã hoàn thành lắp đặt internet, wifi công cộng cho 54/54 ấp.
TP rà soát và đã đơn giản hóa 7 thủ tục hành chính, đạt 100% kế hoạch đề ra, số tiền tiết kiệm trên 593 triệu đồng; triển khai thực hiện 42/68 nhiệm vụ của Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023. Chuyên trang “Chuyển đổi số TP Cần Thơ” được cập nhật thường xuyên, liên tục các nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đổi số của thành phố. Tổ chức cuộc thi “Đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2023” với sự tham gia của hơn 550 lãnh đạo các đơn vị thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Hình thành Chiến lược chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Theo ông Huỳnh Hoàng Mến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, trong những tháng cuối năm 2023, TP tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; triển khai các hoạt động Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Song song đó, phát triển chính quyền số tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để phát triển dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND TP, hoàn thiện ứng dụng phục vụ người dân.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế xã hội; phát triển xã hội số để hỗ trợ người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ công, đào tạo, tri thức.
Tiếp tục triển khai chuyển đổi số trong một ngành lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, du lịch. Triển khai Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh đến năm 2025 trên địa bàn TP Cần Thơ; tổ chức thí điểm mô hinh xã thông minh.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Một trong những thước đo quan trọng nhất của chuyển đổi số à sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Trần Việt Trường đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung xây dựng Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hình thành Chiến lược chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, lấy chuyển đổi số làm động lực phát triển kinh tế xã hội; xúc tiến đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung; phát huy vai trò dẫn dắt về chuyển đổi số của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...