Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần tiếp tục duy trì lương tối thiểu để bảo vệ người lao động

Thuỷ Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Vấn đề lương chưa bao giờ hết nóng trong dư luận. Sau khi chốt được mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018, thì mới đây lại có đề xuất bỏ LTT. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định cần tiếp tục duy trì LTT để bảo vệ người lao động (NLĐ).

Đảm bảo mức sống tối thiểu

Thưa ông, kết quả nghiên cứu mà Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố mới đây cho thấy, ở nước ta tốc độ tăng LTT vùng nhanh hơn năng suất lao động (NSLĐ). Đây có phải là lý do hợp lý để đề xuất bỏ LTT, thưa ông?

- Đúng là hiện nay ở nước ta, tốc độ tăng LTT vùng đang nhanh hơn tốc độ tăng NSLĐ. Tuy nhiên, nếu đề xuất bỏ LTT, thì cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng, bởi LTT đã được quy định trong pháp luật lao động. Ngoài căn cứ nhu cầu sống tối thiểu, thì 2 yếu tố cũng rất quan trọng để xem xét tiền LTT là điều kiện kinh tế - xã hội và giá nhân công trên thị trường theo quan hệ cung - cầu. Vấn đề quan trọng ở đây là phải xác định rõ căn cứ khoa học để xây dựng mức sống tối thiểu bao nhiêu là phù hợp và phải do một cơ quan Nhà nước duy nhất công bố. Do đó, tôi cho rằng cần tiếp tục duy trì quy định về LTT với các lý do cơ bản.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn.
Ông có thể phân tích các yếu tố chứng minh LTT vẫn cần thiết trong nền kinh tế thị trường?

- Thứ nhất, LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Mức LTT được xác định căn cứ nhiều yếu tố, trong đó, cung và cầu lao động là nhân tố cơ bản. Khi cung ít hơn cầu lao động, NLĐ có nhiều lựa chọn và có vị thế cao hơn người sử dụng lao động, lúc ấy LTT không nhiều ý nghĩa. Trường hợp ngược lại, cầu lao động nhiều hơn cung, vị thế thương lượng của NLĐ rất thấp. Trong khi thương lượng tập thể cấp ngành, vùng chưa phát huy được vai trò thì Nhà nước với tư cách “bà đỡ” khắc phục những khuyết tật của thị trường cần can thiệp để ấn định mức LTT, bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho NLĐ. Thứ hai, mặc dù, mức LTT ở nước ta liên tục tăng với tốc độ cao hơn NSLĐ, nhưng vẫn chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ. Trong bối cảnh này, Nhà nước, bằng các công cụ của mình, trong đó có LTT từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu cho mọi người dân, nhất là NLĐ làm công ăn lương.

Bảo vệ người lao động

Thế nhưng, hiện nay có khoảng hơn 50% NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức không thuộc phạm vi áp dụng của LTT?

- Về ý nghĩa, tiền LTT là sự đảm bảo có tính pháp lý của Nhà nước đối với NLĐ trong mọi ngành nghề, khu vực có tồn tại quan hệ lao động, bảo đảm đời sống tối thiểu cho họ phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Mục tiêu của chính sách LTT là nhằm bảo vệ NLĐ, cũng như bảo đảm cho họ tái sản xuất sức lao động. Chính sách tiền LTT còn loại trừ khả năng bóc lột có thể xảy ra đối với NLĐ trước sức ép của thị trường. Đối với nền kinh tế, LTT là công cụ điều tiết của Nhà nước trên phạm vi toàn xã hội và từng cơ sở kinh tế…Ngoài ra, tiền LTT là cơ sở để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và còn là căn cứ để các bên thỏa thuận tiền lương phù hợp với điều kiện, khả năng, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Thực tế hiện nay ở nước ta, NLĐ ở khu vực phi chính thức chiếm một tỷ trọng tương đối lớn. Dù vậy, đây không phải là lý do bỏ LTT vùng. Tôi cho rằng, cùng với các chính sách phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chúng ta đã và đang tiếp tục “chính thức hóa” khu vực phi chính thức nhằm phát triển việc làm bền vững. Điều này có nghĩa, ngày càng có nhiều lao động chuyển dịch từ khu vực không quan hệ lao động sang khu vực chính thức và chịu sự áp dụng của tiền LTT vùng. Vì thế, không chỉ có vai trò quan trọng bảo vệ quyền lợi NLĐ, duy trì và phát triển quan hệ lao động lành mạnh, LTT là cơ sở để Nhà nước làm căn cứ khi đưa ra các chính sách có liên quan đến phúc lợi xã hội, nhất là cho khu vực phi chính thức. Mức LTT cũng là cơ sở tham chiếu cho NLĐ trong khu vực phi chính thức xác định và thương lượng thu nhập của mình. Do đó, nếu bỏ LTT sẽ tác động tiêu cực đến cả DN và NLĐ cả ở khu vực chính thức và phi chính thức.

Bỏ, sẽ tác động tiêu cực đến người lao động

Từ ngày 1/1/2018, NLĐ đóng bảo hiểm xã hội căn cứ trên thu nhập, vậy tới đây có nhất thiết duy trì quy định LTT, thưa ông?

- Quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập không làm giảm vai trò và ý nghĩa của LTT. Bởi lẽ, tiền lương chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nhập, trong khi đó, lương của NLĐ lại được tính trên cơ sở mức LTT. Còn chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng (mức hưởng phụ thuộc vào mức đóng). Nhà nước khuyến khích NLĐ và chủ sử dụng tham gia bảo hiểm xã hội trong mức sàn và trần để bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người dân. Đó là tính ưu việt của hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Thực tế, không phải nước nào cũng quy định LTT. Có chuyên gia cho rằng, bỏ LTT với công cụ là chính sách bảo trợ xã hội sẽ làm thay đổi thị trường lao động?

- Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến cuối năm 2015, có 92% trong số 186 quốc gia thành viên áp dụng LTT. Trong đó, tất cả các quốc gia thuộc châu Âu có LTT do luật định hoặc do thương lượng tập thể ấn định. Ở các châu lục khác, chỉ có một vài nước không quy định LTT. Ví dụ: Singapore, Brunei, Suriname, Ethiopia, Eritrea or Somalia, Qatar, Bahrain.

Trong bối cảnh nước ta, việc bỏ quy định LTT sẽ có rất nhiều tác động tiêu cực đến NLĐ. Đối với lao động cổ trắng (lao động chất lượng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, có vị thế thương lượng cao hơn với chủ sử dụng lao động) sẽ bị giảm thu nhập và quyền lợi. Lao động cổ xanh (lao động phổ thông, tỷ lệ thất nghiệp cao, không có vị thế thương lượng với chủ sử dụng lao động) sẽ rất dễ bị bần cùng hóa. Điều này, hoàn toàn đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nguyện vọng của người dân, NLĐ. Bởi vậy theo tôi, bỏ quy định LTT hoàn toàn không ổn.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc công bố mức LTT chỉ ảnh hưởng từ 10 – 20% NLĐ có mức lương thấp làm việc trong những ngành nghề yếu thế. Trong điều kiện hiện tại của nước ta, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức LTT vùng. Nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên nên thì hướngđến việc chỉ công bố mức LTT đối với nhóm ngành, nghề mà NLĐ có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế. Đây là cách hạn chế tối đa người sử dụng lao động lợi dụng LTT như là mức tham chiếu để chi trả lương không hợp lý. Với nguyên tắc tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường do sự thỏa thuận của các bên; Nhà nước chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ... Tuy nhiên, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định LTT là sàn thấp nhất để các bên thương lượng về mức tiền lương trả cho NLĐ.

Xin cảm ơn ông!

Khoản 2, Điều 91 Bộ Luật Lao động đã quy định về LTT: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Chính phủ công bố mức tiền lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.