Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần xem lại quy trình làm luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/5, các ĐB Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó để quyết định chương trình xây dựng luật khi chưa biết tiến độ luật đã đến đâu.

Một số ĐB cho rằng, thời gian qua, chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh bị thay đổi quá nhiều, một số dự án luật phải điều chỉnh không ít lần, song chất lượng luật còn hạn chế... Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội), các báo cáo đánh giá tác động của luật cũng chưa đầy đủ, toàn diện; việc xây dựng đề cương, tư tưởng chủ đạo của luật chưa đạt. Đúng ra nên thông qua đề cương chủ đạo trước khi cho tiến hành xây dựng luật cụ thể.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Duy Linh
Chủ tịch HĐND TP - Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét, với những thông tin sơ sài khi đưa một dự án luật vào chương trình rất khó cho ĐB quyết định. Để nâng cao chất lượng xây dựng luật và người ĐB có trách nhiệm trong công việc này, ĐB cần phải có được thông tin về nội dung đề cương của luật, luật có nội hàm thế nào, tiến độ ra sao.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Quốc hội cần phải thay đổi quy trình làm luật, phải lý giải được tại sao ban hành luật này, chỉ rõ hành vi cần điều chỉnh, chế tài điều chỉnh là gì. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh), cách làm luật hiện nay là không ổn. Quốc hội không chủ động được. ĐB Quyết Tâm cho rằng: Việc sửa đổi Luật Cán bộ công chức là rất bức thiết, nhưng lại chưa thấy trong chương trình. Một ưu tiên khác là hoàn thiện, ban hành luật về người có công với cách mạng để thay thế Pháp lệnh hiện hành, lẽ ra luật này cần được xây dựng, trình trong năm 2017 và “như thế cũng đã là muộn”.

Nhiều ĐB cũng băn khoăn trước tiến độ của một số dự án luật như Luật Biểu tình, Luật về Hội... ĐB Hoàng Bình Quân (đoàn Tuyên Quang) cho rằng: Không nên tiếp tục suy nghĩ làm luật theo kiểu những gì cơ quan quản lý có thể làm thì bung ra, mà cần phải tính làm gì để đáp ứng cái gì cuộc sống cần, tức đảm bảo tính thiết thực luật. Điều đó có nghĩa, luật có khó, có vướng nhưng cần thì cũng phải làm cho bằng được chứ không thể để một Bộ, một cơ quan chủ trì soạn thảo cứ xin lùi mãi chỉ với lý do việc chuẩn bị chưa ổn, chưa yên tâm.

Liên quan đến việc Dự thảo Nghị quyết về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được bổ sung vào chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 3, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung vào khá gấp, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Mặc dù việc tháo gỡ xử lý nợ xấu là cần thiết, nhưng cách tháo gỡ mới là vấn đề quan trọng. Tuy vậy, hiện nay, luật hiện hành chưa quy định và việc quy định xây dựng làm sao phải không trái với hiến pháp thì sẽ được ủng hộ cao. Còn nếu việc đề xuất trái với quy định thì sẽ gây ra sự không đồng tình của cử tri.

Sáng 23/5, thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội. Trong số 4 chuyên đề được UBTV Quốc hội đề xuất, vẫn còn những quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Nên giám sát hai chuyên đề về: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước đã thực hiện được 15 năm và Quốc hội cần phải giám sát để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này. Riêng vấn đề an toàn giao thông, từ năm 2008 đến nay chưa có cuộc giám sát nào, trong khi đây là vấn đề luôn đặt ra đối với đời sống người dân.