Các chuyên gia logistics cảnh báo xung đột tại Biển Đỏ có thể châm ngòi cho một giai đoạn khủng hoảng đối với các nhà sản xuất và bán lẻ châu Âu, khi chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn nghiêm trọng.
Việc nhiều tàu container phải chuyển hướng khỏi kênh đào Suez sang tuyến đường quanh Mũi Hảo Vọng dài hơn, do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, đã kéo dài thời gian di chuyển của các chuyến tàu giữa châu Á và châu Âu thêm hai tuần.
Simon Heaney, nhà nghiên cứu container tại công ty Drewry Shipping Consultants có trụ sở tại Anh, cho biết khách hàng của các công ty vận tải sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự gián đoạn này.
Mỗi tuần, các hãng container sẽ vận chuyển hàng hóa và linh kiện đến những nhà sản xuất ô tô để phục vụ cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sự chậm trễ có thể sẽ khiến toàn bộ hoạt động bị đình trệ, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ có thể sẽ bị cạn kiệt và nhiều công ty vận tải sẽ phải đối mặt với những khoản phụ phí từ việc chuyển hướng vận chuyển.
Các nhà máy của nhiều tập đoàn lớn tại châu Âu như: Tesla ở Đức, Volvo Cars tại Bỉ và Suzuki tại Hungary đã phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất xe.
Carlos Tavares, giám đốc điều hành của tập đoàn Stellantis, dự đoán tình trạng chậm trễ sẽ đẩy chi phí mà các nhà sản xuất ô tô phải gánh chịu lên cao hơn.
“Tôi chắc rằng các công ty logistics sẽ lợi dụng việc chúng tôi cần sử dụng những con tàu này trong khoảng thời gian dài để thương lượng chi phí” – Ông cho biết.
Nils Haupt, người phát ngôn của hãng vận tải Hapag-Lloyd tại Hamburg, Đức cho biết tình trạng tắc nghẽn xảy ra tại các cảng châu Âu do tàu đến ngoài thời gian dự kiến.
“Tuần này, chúng tôi có đến tám tàu tại Hamburg. Số lượng là rất lớn” – Ông Haupt cho biết.
Hiện tại, một số tàu vẫn đang đi qua kênh đào Suez. Theo nhiều nhà phân tích, các công ty Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ xung đột tại Biển Đỏ, do đây là tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa từ nước này đến châu Âu, đối tác thương mại hàng đầu. Tuần này, nền kinh tế số hai thế giới kêu gọi các bên có liên quan đảm bảo hàng hải tại Biển Đỏ.
CMA CGM của Pháp, tập đoàn vận tải container lớn thứ ba thế giới, cho biết họ đã định tuyến lại các tàu của mình theo hướng vòng quanh châu Phi, mặc dù một số vẫn đi qua kênh đào Suez dưới sự hộ tống của tàu chiến Pháp.
Người đứng đầu CMA CGM, Rodolphe Saadé cho biết kế hoạch của công ty đang bị ảnh hưởng do việc thay đổi lộ trình, sự chậm trễ khi đi qua Biển Đỏ và tình trạng ứ đọng tại các cảng.
Ngành công nghiệp ô tô đặc biệt dễ tổn thưởng do quy trình sản xuất đảm bảo tính chính xác về thời gian và không có kho dự trữ lớn. Tuy nhiên, do mức tồn kho tăng nhẹ trong những năm gần đây đã làm giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Hãng Volkswagen, Đức cho biết mặc dù chi phí tăng lên khi vận chuyển trên tuyến đường dài hơn, việc nhận được các phụ tùng từ châu Á từ tháng trước đã giúp tránh được những hậu quả nghiêm trọng hơn.
“Hầu hết các công ty vận tải lớn đã bắt đầu định tuyến lại tàu của mình kể từ tháng 12. Điều này sẽ giúp hàng hóa đến được vị trí cần thiết, mặc dù vẫn còn chậm trễ”.
Trong lĩnh vực thực phẩm, công ty Danone của Pháp sẽ triển khai các kế hoạch giảm thiểu rủi ro, bao gồm việc sử dụng các giải pháp thay thế như: vận tải hàng không nếu tình trạng gián đoạn tại Biển Đỏ kéo dài hơn hai tháng hoặc thậm chí là ba tháng.
Trong lĩnh vực bán lẻ, vào hôm thứ Năm, Tập đoàn Pepco, công ty đang điều hành gần 3.500 chuỗi cửa hàng bán lẻ Poundland trên khắp châu Âu, cảnh báo về sự tăng cao của chi phí vận chuyển và tình trạng chậm trễ của việc giao hàng do gián đoạn tại Biển Đỏ, đồng thời lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.