Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ

Nguyên Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đang làm xáo trộn kinh tế thế giới. Việt Nam nên có các đối phó ngắn hạn và chuẩn bị kỹ các biện pháp trung và dài hạn vì cuộc chiến thương mại leo thang không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu (XK) mà chính sách tiền tệ tín dụng, cơ cấu kinh tế... cũng sẽ chịu tác động, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Nguyễn Mại chia sẻ.

 Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Nguyễn Mại 
Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn của Việt Nam, trong đó Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc còn Mỹ thì xuất siêu lớn, Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào khi 2 nền kinh tế xung đột?
- Với Việt Nam, Mỹ là thị trường nhập khẩu các hàng dệt may, da giày lớn nhất. Trong đó, XK dệt may sang Mỹ năm 2017 đạt 12,28 tỷ USD (tăng 7,3%), chiếm 47% tổng giá trị XK dệt may cả nước; XK giày dép đạt 5,11 tỷ USD (tăng 14%). Ngoài ra, Việt Nam còn có thế mạnh XK nông - lâm - thủy sản sang thị trường này với các mặt hàng như hạt điều, thủy sản, gỗ và một số sản phẩm từ gỗ…

Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, XK của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp phải những thách thức nhất định trong thời gian tới. Dễ thấy nhất là đối với mặt hàng thủy sản và sắt thép, Mỹ đặt ra những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, vượt quá những chuẩn mực về kiểm soát an toàn thực phẩm mà thị trường toàn cầu áp dụng.
Đặc biệt cần chú ý, trong thời gian qua, các sản phẩm như: Sắt, thép, xi măng của Việt Nam đã nhiều lần bị Mỹ cáo buộc là có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng mượn nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ để hưởng lợi về thuế suất. Với Trung Quốc, nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ, và chuyển hướng sang các thị trường khác. Kim ngạch XK vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017.

Với tình hình đầu tư nước ngoài thì sao, thưa ông?

- Cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa nằm trong top các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất. Căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xu hướng dịch chuyển sản xuất một số ngành thâm dụng lao động từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục diễn ra do chi phí lao động Trung Quốc tăng nhanh.

Với Trung Quốc, nếu nhà đầu tư của họ gặp khó khăn trong nước, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam có thể trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư hơn khi các nhà sản xuất tiếp tục cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ để giảm tác động từ thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc. Có nhiều ý kiến lo ngại về dòng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt thì sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển.
 Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Liệu điều này có dẫn đến tác động kép, đi cùng với nó sẽ là cuộc chiến tranh tiền tệ - chiến tranh tỷ giá?

- Lần này cuộc cạnh tranh đụng đến tài chính tiền tệ một cách rõ nét. Nó biểu hiện ở thị trường chứng khoán, điều chỉnh lãi suất, và tỷ giá gần đây chịu nhiều áp lực...

Tôi cho rằng, điều quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất là phải đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại và động thái của ngân hàng T.Ư các nước. Biện pháp điều chỉnh tỷ giá chỉ là một phần quyết định giúp hỗ trợ XK, chúng ta còn cần chọn lựa và sử dụng đồng thời các biện pháp phù hợp khác. Nếu tăng thì phải chọn thời điểm mà lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực tăng lạm phát.

Để tận dụng thuận lợi và tránh khó khăn, lối đi nào cho kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Cuộc chiến này không chỉ là cạnh tranh thương mại mà còn là cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam cần giữ vị thế trung lập kinh tế, chúng ta đã kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa lâu nay rồi thì lúc này hơn lúc nào hết cần kiên trì cái đó.

Đẩy mạnh cải cách kinh tế sẽ là cách hiệu quả để Việt Nam chống lại những tác động của xung đột thương mại toàn cầu. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ tăng cường giám sát thị trường và lập kế hoạch để giảm tới mức tối thiểu những tác động. Những thực trạng đó khiến Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu như: Tăng cường các định chế tài chính, tài khoản vốn; tăng tính minh bạch và giảm thiểu tham nhũng.

Về ngắn hạn, nên có các biện pháp về giá, có các chính sách thuế, tỷ giá phù hợp. Về dài hạn, đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của các DN Việt. Thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro (khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc). Với DN cần nâng cao được chất lượng hàng hóa, nếu không giảm được giá thành, mẫu mã không tốt thì đừng mong vào thị trường nào hết.

Xin cảm ơn ông!