Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo ''thảm họa'' Covid-19 tại Nhật Bản khi ca nhiễm mới cao chưa từng có

Nguyễn Phương (Theo Theguardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Nhật Bản đưa tin Paralympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 24/8 đến ngày 5/9, nhưng không có khán giả do số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này liên tục lập kỷ lục.

Các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo quốc gia Đông Á này đang đối mặt với "thảm họa" Covid-19, đồng thời kêu gọi chính phủ thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát đợt lây lan nghiêm trọng nhất của virus SARS-CoV-2.
 Nhật Bản ngày 12/8 ghi nhận hơn 18.000 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Reuters
Truyền thông Nhật Bản cho biết, khán giả sẽ không được tham gia hầu hết các sự kiện Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) tại Tokyo. Sau khi bị hoãn tổ chức 1 năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Paralympic Tokyo 2020 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24/8 - 5/9 tới.
Kyodo dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết, chính phủ Nhật Bản và ban tổ chức Paralympic sẽ đưa ra quyết định chính thức vào tuần tới. Theo báo chí địa phương, người hâm mộ thể thao Nhật Bản sẽ không được dự các sự kiện trong khuôn khổ Paralympic tại thủ đô Tokyo và tỉnh Saitama, trong khi đó các trận thi đấu thể thao tại tỉnh Shizuoka hạn chế khán giả. Ban tổ chức đang cân nhắc việc cho phép học sinh tham dự.
Hiện Nhật Bản đang áp dụng kết hợp nhiều biện pháp khá quyết liệt để ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới, bao gồm: Không cấp phép nhập cảnh cho những người nước ngoài không cư trú tại Nhật Bản, ban bố tình trạng khẩn cấp ở những nơi có cảnh báo dịch bệnh ở cấp cao nhất, và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở những nơi có cảnh báo dịch bệnh cấp độ 3.
Tại thời điểm này, có 6 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp về y tế, gồm Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Osaka và Okinawa, đồng thời có 13 tỉnh khác đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế này tỏ ra chưa hiệu quả khi số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản liên tục chạm kỷ lục. Ngày 12/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 18.889 ca mắc mới trên toàn quốc, mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận 4.989 ca nhiễm Covid-19, trong khi TP Osaka báo cáo có thêm 1.654 trường hợp mắc mới trong vòng 24 giờ.
Theo số liệu của đại học Johns Hopkins, tỷ lệ mắc trung bình trong vòng 7 ngày của Nhật Bản là 11,2 trên 100.000 người, so với mức 2,8 ở Ấn Độ, 37 tại Mỹ và 41 ở Anh.
Các quan chức y tế cũng lo ngại về số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng ở Tokyo tăng cao khi lần đầu tiên vượt con số 200 người, trong bối cảnh các bệnh viện tại thủ đô đang rơi vào tình trạng quá tải.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo chính phủ cần mở rộng tình trạng khẩn cấp ra phạm vi toàn quốc do dịch Covid-19 ngày càng lan rộng. Các chuyên gia cũng kiến nghị nên có biện pháp để giảm 50% số lượng người di chuyển so với mức trung bình của tháng 7 vừa qua.
Ông Shigeru Omi - chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Nhật Bản - bày tỏ lo ngại: “Với tốc độ lây lan như hiện nay, chúng ta sẽ không thể cứu sống những người mà đáng ra chúng ta có thể”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Norio Ohmagari, cho biết: “Dịch Covid-19 đang hoành hành và Nhật Bản chưa thể kiểm soát được. Tình hình giống như một thảm họa, một tình huống mà mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự bảo vệ mạng sống của mình".
Nhật Bản hiện đang tiêm chủng vaccine Covid-19 cho khoảng 1 triệu người/ngày, nhưng tiến độ tiêm ngừa vẫn chậm và chưa đủ khả năng để chặn đà lây lan của biến thể Delta. Tính đến thời điểm hiện tại,khoảng 36% dân số trên tổng số 126 triệu người dân được tiêm chủng đầy đủ./.