Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo thiếu nước nghiêm trọng ở châu Âu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu ước tính rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của khối cho đến năm 2100.

Biến đổi khí hậu đang đè nặng lên nguồn tài nguyên nước của EU, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ xung đột giữa các thành viên trong khối, Politico đưa tin vào hôm thứ Tư, trích dẫn một tài liệu bị rò rỉ của Ủy ban châu Âu.

Theo tài liệu này, cơ quan điều hành của khối sẽ cảnh báo các nước thành viên về rủi ro khí hậu gia tăng vào tuần tới. Brussels cho biết những nỗ lực của EU là chưa đủ để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần gấp rút hành động cho việc ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nước. Ảnh: RT
Châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nước. Ảnh: RT

Tài liệu này cũng xác định tình trạng khan hiếm nguồn nước là một trong những thách thức hàng đầu mà 27 quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt. Các quan chức cảnh báo tình trạng này đang đe dọa đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống và có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua về nguồn cung trong EU.

Hiện, EU đang rơi vào thế khó khi các chính sách phát triển xanh đang vấp phải sự phản đối quyết liệt, cũng như áp lực nguồn nước ngày càng gia tăng do các hiện tương thời tiết cực đoan, chẳng hạn: mưa lớn dẫn đến lũ lụt hay hạn hán khiến nguồn nước khan hiếm.

Vào đầu năm nay, tranh chấp về nước đã xảy ra tại các khu vực ở Tây Ban Nha. Tháng trước, Catalonia, nơi đang đối mặt với đợt hạn hán khủng khiếp nhất lịch sử, đã cố thuyết phục chính quyền TP Madrid chuyển nước từ nước láng giềng Aragón sang sông Ebro. Tại Pháp, các nhà hoạt động khí hậu đã xung đột với cảnh sát vào năm ngoái khi cố ngăn cản việc xây dựng hồ chứa nước cho nông dân.

Ủy ban châu Âu ước tính rằng biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của khối cho đến năm 2100. Những rủi ro liên quan đến nước như lũ lụt tại các ven biển có thể khiến EU thiệt hại 1,6 nghìn tỷ euro hàng năm (1,75 nghìn tỷ USD).

Theo tài liệu, khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm hàng đầu cũng như lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề sống còn về mặt kinh tế đối với các vùng nông thôn và ven biển.

Ủy ban châu Âu chỉ ra rằng ngay cả khi một số chính sách được áp dụng, việc quản lý hiện tượng nóng lên toàn cầu trong khối vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Tài liệu cũng cảnh báo về việc EU có thể phải đối mặt với nhiều thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu hơn trong tương lai như: hạn hán, lũ lụt, cháy rung, bệnh tật, thiệt mạng vì nắng nóng.