Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo và hành động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các lời kêu gọi không đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông bị Trung Quốc phớt lờ buộc cộng đồng quốc tế phải phát đi những cảnh báo mạnh mẽ và có những hành động để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh muốn độc chiếm tuyến hàng hải huyết mạch khu vực.

Sự khiêu khích phi lý

Tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn 2015 diễn ra ở Bắc Kinh với sự tham gia của giới chức quốc phòng các nước ASEAN, tướng Zulkefli Mohd Zin - Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Malaysia đã lên tiếng chỉ trích hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là “khiêu khích phi lý”. Theo ông Zulkefli Mohd Zin, các đảo mà Trung Quốc xây bất hợp pháp trên Biển Đông là “đảo đồn trú” và thời gian sẽ cho thấy Trung Quốc có ý đồ gì với các đảo này. Trước đây, chính quyền Malaysia luôn tỏ ra thận trọng trong vấn đề Biển Đông và rất ít khi dùng từ ngữ mạnh mẽ để chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hải quân Trung Quốc 2 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và buộc Kuala Lumpur phải thay đổi thái độ và trở nên cảnh giác với Bắc Kinh hơn.
Tham mưu trưởng quân đội Malaysia Zulkefli Mohd Zin phát đi cảnh báo về khiêu khích phi lý  của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tham mưu trưởng quân đội Malaysia Zulkefli Mohd Zin phát đi cảnh báo về khiêu khích phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức hàng năm nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và cũng là nơi để giới chức quân sự và học giả Trung Quốc trở thành “thuyết khách” về tranh chấp trên biển với các quốc gia trong khu vực. Diễn đàn Hương Sơn lần này cũng không phải là ngoại lệ khi các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng “đánh tráo khái niệm” và lên tiếng ngụy biện về mục đích xây dựng trái phép các đảo này. Tuy nhiên, mục đích lợi dụng Diễn đàn Hương Sơn để thao túng ASEAN về vấn đề Biển Đông đã bị phá sản và cam kết không gây chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đã thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của láng giềng. Những phát biểu cứng rắn công khai của đại diện Malaysia là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại này.

Thông điệp từ Washington

Không mất nhiều thời gian để các đại biểu quốc tế nhận ra việc Trung Quốc đề xuất tập trận chung với các nước ASEAN ở Biển Đông hay thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước này với Lầu Bát Nhất chẳng qua chỉ là kế hoãn binh và “đuổi khéo” Mỹ khỏi Biển Đông. Trên thực tế kể từ khi Bắc Kinh tiến hành xây đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông, giới chức Mỹ liên tục đưa ra các lời kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật quốc tế. Những đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Australia đã sẵn sàng gạt bỏ những lợi ích khi là đối tác quan trọng của Trung Quốc để phản đối hành vi gây mất an ninh và an toàn hàng hải khu vực của Bắc Kinh.

Chấp nhận các cam kết của lãnh đạo Trung Quốc về việc “không quân sự hóa” các đảo xây dựng trái phép tại Biển Đông, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng bày tỏ hy vọng Bắc Kinh đã “nói lời phải giữ lấy lời”. Tuy nhiên, các hành vi liên tiếp đơn phương leo thang căng thẳng đã khiến giới chức Mỹ và Australia tuần trước phải một lần nữa “bày tỏ quan ngại mạnh mẽ”, đồng thời “kêu gọi Trung Quốc ngừng việc cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa” tại khu vực Biển Đông.

Sau nhiều lần kêu gọi, cảnh báo không có hiệu quả, đại diện lực lượng hải quân Mỹ tuyên bố sẽ sớm triển khai tàu và máy bay tuần tra ở vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Một quan chức Mỹ cho biết, việc thách thức giới hạn 12 hải lý của Trung Quốc là một trong nhiều sự lựa chọn mà Mỹ phải cân nhắc bởi tính chất trọng yếu của việc duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường biển, nơi vận chuyển hơn 5.000 tỷ USD giá trị thương mại mỗi năm. Cuộc tập trận hải quân Malabar được tổ chức trên vịnh Bengal lần đầu tiên trong 8 năm qua với sự tham gia của các lực lượng quân sự Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ kéo dài từ 14 - 19/10 có thể coi là thông điệp mà Washington gửi tới Bắc Kinh. Theo đó, hải quân Mỹ sẽ hiện diện và hoạt động tích cực tại khu vực ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi quốc gia như châu Á – Thái Bình Dương.