Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Canh cánh nỗi lo ngộ độc rượu

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó có những người bị biến chứng nặng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong dịp Tết Nguyên đán, nếu mỗi người không biết “dừng đúng lúc” khi uống rượu, bia thì tình trạng ngộ độc sẽ đáng lo ngại.

Nhiều bệnh nhân nhập viện
Sau khi uống rượu triền miên ở các cuộc nhậu cuối năm, bệnh nhân N.H.N. (Hà Nội) nhập viện BV Bạch Mai trong tình trạng mê sảng, co giật, miệng nói lảm nhảm. Qua nhiều ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, nhưng biến chứng suy tuỵ, tổn thương gan, men gan tăng cao. Còn bệnh nhân T.V. L, 47 tuổi (Hà Nội) làm nghề thợ xây, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan.
 Ảnh minh họa.
Sau 17 ngày điều trị (trong đó 5 ngày cấp cứu tích cực), bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, nhưng vẫn cần theo dõi, điều trị lâu dài. Vợ của bệnh nhân T.V.L cho biết, từ 10 năm nay, mỗi ngày anh uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối. Vợ con can ngăn, nhưng anh không nghe, thậm chí còn chửi bới, đánh đập thậm tệ, nên chị đành nhắm mắt làm ngơ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm chống độc, mấy ngày qua, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 3 - 4 trường hợp nhập viện, trong đó không ít người do uống nhiều rượu, uống rượu pha cồn công nghiệp methanol vượt ngưỡng. Hiện còn gần 10 bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm do ngộ độc rượu và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Theo bác sĩ Nguyên, ngộ độc rượu, nhẹ thì không kiểm soát được cảm xúc, đi đứng không vững, nặng thì vã mồ hôi, hôn mê, hạ huyết áp có thể tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời. “Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả những sản phẩm đã được xác nhận ATTP. Đáng lo ngại hơn là việc dùng rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên, đặc biệt khi sử dụng rượu có chứa methanol vượt ngưỡng” - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Tỷ lệ tử vong cao

Phân tích từ các vụ ngộ độc rượu của Cục ATTP cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc (chiếm gần 50% số ca tử vong do rượu), tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng, củ ấu, động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn)... Không chỉ để lại hậu quả nặng nề là ngộ độc hay tử vong, mà rượu còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, ẩu đả, giết người, hiếp dâm và trên 60 loại bệnh khác nhau. Cứ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số người bị ngộ độc rượu, số ca tử vong do rượu tăng cao. Trong 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc rượu với 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện. Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, qua theo dõi, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2 - 4, trùng với thời điểm trước, trong và và sau Tết Nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm này hàng năm đều tăng 40 - 50% so với các tháng còn lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngộ độc rượu cấp chỉ chiếm 1 - 2% số vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm, nhưng số người chết do rượu lại chiếm đến 70%. “Tết là dịp để vui Xuân, đừng để nhân lên nỗi đau của các gia đình chỉ vì vui quá đà, uống quá chén” - Bộ trưởng Tiến bày tỏ.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol (cồn sẽ biến thành màu xanh), để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol vào rượu, đề phòng ngộ độc, hạn chế tử vong do rượu.