Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh sát Mỹ bị bắn tại TP Dallas: Nấc thang bạo lực mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 5 người thiệt mạng, 6 người bị thương vì bị bắn tại Dallas, ngày 8/7 là một trong những ngày đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng an ninh Mỹ kể từ sau ngày 11/9/2001.

Nước Mỹ hiện không chỉ sôi động trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống mà còn cả trong xung khắc bạo lực giữa cảnh sát da trắng và người da đen. Việc cảnh sát da trắng sử dụng vũ khí sát hại thường dân da đen vốn vẫn thường xuyên xảy ra trên đất nước này mà rất hiếm khi thủ phạm bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng chưa khi nào kể từ 15 năm nay, cảnh sát ở Mỹ lại trở thành mục tiêu bị tấn công trực diện như vụ việc vừa xảy ra ở TP Dallas - bằng súng bắn tỉa giống như Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963 đã bị ám sát ở chính TP này.
Vụ tấn công tại Dallas là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất của lực lượng an ninh Mỹ.
Vụ tấn công tại Dallas là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất của lực lượng an ninh Mỹ.
Vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi chàng thanh niên da đen Alton Sterling ở Louisiana bị 2 viên cảnh sát da trắng đè sấp xuống đường và bắn chết cũng như chỉ một ngày sau khi Philando Castile, 32 tuổi, cũng da đen như Sterling, ở Minnesota bị cảnh sát da trắng chặn xe ô tô và bắn chết ngay trong xe. Tất cả đều giống như cảnh sát da trắng hành quyết người da đen. Toàn bộ vụ việc xảy ra với Castile được bạn gái của người xấu số này quay và tải trực tiếp lên các mạng xã hội. Vụ nổ súng vào cảnh sát ở Dallas khiến nhiều cảnh sát chết và bị thương là phản ứng mang sắc thái của cuộc trả thù.

Vụ việc cho thấy xung khắc bạo lực giữa cảnh sát da trắng và người da đen ở Mỹ đã leo thêm một nấc thang quyết liệt mới, thể hiện sự bất lực và dung túng của chính quyền và sự bất bình, phẫn nộ của người da đen ở Mỹ. Ở đó thể hiện những căn bệnh trầm kha lâu nay của xã hội Mỹ là cảnh sát sử dụng bạo lực vô cớ và vô độ cũng như phân biệt sắc tộc. Ở đó lại một lần nữa bộc lộ hậu quả vô cùng tai hại của luật pháp quá lỏng lẻo về mua bán, sở hữu và sử dụng vũ khí ở Mỹ. Ở đó có thể dễ dàng nhận thấy lợi ích nhóm đã có được khả năng thao túng và lũng đoạn bộ máy quyền lực nhà nước như thế nào. Thực trạng ngày càng trầm trọng trong khi nguyên nhân không phải khó nhận ra nhưng việc khắc phục lại vô cùng khó khăn ở nước Mỹ, đơn giản vì bộ máy quyền lực nhà nước, từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp, không muốn khắc phục nó. Cứ sau khi xảy ra chuyện như vừa rồi đều chỉ thấy những cấp độ và hình thức thể hiện thái độ khác nhau từ phía 3 trụ cột công quyền này, chỉ thấy có những lời nói với nội dung lên án hành động bạo lực và thông cảm với nạn nhân và rồi sau đó đâu lại vào đấy. Không thấy có chuyện siết chặt đủ mức luật pháp về mua bán, sở hữu và sử dụng vũ khí. Không thấy có chuyện chấn chính bộ máy cảnh sát hoặc thậm chí cải tổ bộ máy này để ngăn chặn tình trạng cảnh sát da trắng luôn sẵn sàng nổ súng hoặc dùng bạo lực vào người da đen. Không thấy có chuyện đưa lại công lý và công bằng cho nạn nhân bằng việc trừng phạt thích đáng thủ phạm. Không thấy có chuyện tập trung vào vấn đề phân biệt sắc tộc ở Mỹ. Nếu cứ tiếp tục như thế thì nấc thang bạo lực mới này sẽ không phải là nấc thang cuối cùng ở nước Mỹ. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đây là bi kịch và người Mỹ phải đoàn kết. Trích dẫn các số liệu cho thấy người da đen tại Mỹ có nhiều khả năng bị cảnh sát bắt và bắn hơn những người khác, ông Obama nhấn mạnh đó là biểu hiện của sự “bất bình đẳng chủng tộc tồn tại trong hệ thống tư pháp Mỹ”.
Theo thống kê của FBI, trong năm 2015, 41 cán bộ thực thi pháp luật Mỹ đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ, giảm từ con số 51 người trong năm 2014.