Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp đông để tạm trữ thịt lợn: Khó trăm bề

Trọng Tùng - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn giảm sâu và nguồn cung ngành hàng này có nguy cơ thiếu hụt vào những tháng cuối năm, chiều 30/5, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đồng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cấp đông thịt lợn.

Thiếu vốn, thiếu kho
Theo thông tin của Bộ NN&PTNT, tính đến nay cả nước đã có 44 tỉnh, TP có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn phải tiêu hủy trên 2 triệu con, chiếm 7% tổng đàn cả nước. Trung bình mỗi năm, sản lượng thịt tiêu thụ khoảng 5,4 triệu tấn, trong đó thịt lợn chiếm tới 3,8 triệu tấn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dịch tả lợn châu Phi bùng phát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung thịt lợn nói riêng, thực phẩm nói chung vào những tháng cuối năm.
Một trong những giải pháp được đánh giá là có hiệu quả để giải quyết bài toán trên là cấp đông thịt lợn, tuy nhiên việc triển khai giải pháp này trên thực tế không dễ. Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vissan Nguyễn Ngọc An chia sẻ, đơn vị đang thực hiện cấp đông 120 con lợn/ngày.
 Pha chế thịt lợn sạch tại Công ty CP Song Đạt, huyện Thanh Trì. Ảnh:  Hải Linh
Tuy nhiên, chi phí cấp đông cao khiến việc tiêu thụ khó khăn, bởi giá thịt lợn cấp đông cao hơn giá thịt nóng. Trong khi đó, đại diện Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, đơn vị đang thực hiện cấp đông 500 tấn thịt lợn cho rằng, nguồn vốn đang là rào cản chính của DN. Hiện đơn vị này đã cạn nguồn vốn để tiếp tục thực hiện cấp đông thịt lợn.
Trong khi việc cấp đông của các DN đang gặp khó thì tại nhiều địa phương, công tác này thậm chí còn chưa thể triển khai được. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc, các DN đều ủng hộ giải pháp cấp đông thịt lợn, song khó khăn hiện nay là thiếu kho trữ.
“Hiện, trên địa bàn tỉnh còn số lượng lớn kho đông lạnh tại Khu công nghiệp Sóng Thần, tuy nhiên các kho này không bảo đảm tiêu chuẩn để cấp đông thịt lợn. Bên cạnh đó, giá cho thuê các kho lạnh cũng rất cao, trung bình 1 USD/tấn/ngày” – ông Lộc phân tích. Đây cũng là những khó khăn chung mà đại diện một số tỉnh, TP đề cập tới tại cuộc họp.
Sớm có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Trước tình hình giá thịt lợn giảm sâu và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này có chiều hướng giảm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, các bộ, ngành cần khẩn trương có giải pháp hỗ trợ các DN cấp đông thịt lợn.
Theo đó, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN về chi phí thu mua thịt lợn sạch, lãi suất vay vốn ưu đãi và miễn giảm phí kiểm dịch giết mổ lợn cấp đông. Bên cạnh đó, cần tính đến giải pháp nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh tái đàn gặp khó.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, trước đây, Việt Nam đã từng thực hiện cấp đông thịt lợn để bán cho một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế hỗ trợ nên số lượng DN tham gia còn hạn chế.
Nhấn mạnh cấp đông thịt lợn là giải pháp thiết thực phải làm ngay, ông Dương đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn, thay đổi thói quen từ sử dụng thịt nóng sang thịt cấp đông nhằm hỗ trợ các DN trong việc tiêu thụ.
Mặc dù giá thịt lợn đang giảm sâu, song theo dự báo của Bộ Công Thương, nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng này trong thời gian tới là rất cao. Đồng tình với các quan điểm về việc cấp thiết phải cấp đông thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trên cơ sở các ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và DN, Bộ sẽ xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể đối với các DN.
Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần nắm bắt kịp thời diễn biến dịch tả lợn, từ đó đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ của thị trường để có giải pháp bình ổn giá mặt hàng này. Ông Hải cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác nhằm thay thế thịt lợn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm.

"Giải pháp cấp đông thịt lợn được xem là một mũi tên trúng ba đích, không chỉ giúp giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong khi chờ cơ chế hỗ trợ trực tiếp, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các chính sách hiện có để hỗ trợ các DN thực hiện cấp đông thịt lợn." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến


"Chúng tôi không chỉ cần hỗ trợ về tiền mà còn mong muốn các bộ, ngành có chính sách bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro cho DN trong quá trình cấp đông thịt lợn. Bởi hiệu quả phải đi đôi với an toàn thì mới thu hút DN tham gia." - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng