Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Còn nhiều việc phải làm

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục phân loại, tháo gỡ khó khăn, cấp tối đa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (GCN) cho các trường hợp đủ điều kiện, với những vướng mắc “bất khả kháng” mới dừng ở kê khai để quản lý.

Đó là quan điểm được nhấn mạnh khi đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP làm việc với Sở TN&MT, chiều 16/3.
Bài 3: Phân loại cụ thể, mới rõ giải pháp
Gỡ vướng từ chính sách
Cũng như các quận, huyện, thị xã, Sở TN&MT đã tổng hợp lại những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong công tác cấp GCN. Từ cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của TP chưa hoàn thiện, bản đồ địa chính toàn TP đến nay chỉ có 3 huyện và 17 phường… Đến các cơ chế chính sách còn bất cập như giao đất không đúng thẩm quyền; dự án “treo”… Như Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định: Với những đối tượng đất nằm trong các bản án, thanh tra cũng còn gần 6.000 trường hợp, rất khó khăn để tháo gỡ.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục sổ đỏ tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Với những con số thống kê sơ bộ, còn hơn 252.000 thửa đất ở của các hộ, cá nhân chưa cấp GCN (trong đó 196.000 thửa đất còn vướng mắc, khó khăn), chưa kể đến số lượng GCN cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở chưa được cấp; GCN cho tổ chức sử dụng đất…, để đạt được mục tiêu, đến 30/4/2017 phải hoàn thành việc kê khai; rà soát tháo gỡ khó khăn để cơ bản hoàn thành việc cấp GCN với trường hợp đủ điều kiện xong trước 30/6/2017 rất cần những giải pháp cụ thể.
Rất nhiều kiến nghị, cũng là các giải pháp được Sở TN&MT đưa ra trong cuộc giám sát. Trong đó, kiến nghị TP ban hành thay thế các Quy định thuộc thẩm quyền của UBND TP được Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về cấp GCN theo tinh thần cải cách TTHC. Đồng thời cho phép tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP, để có bản đồ, tài liệu phục vụ công tác kê khai, đăng ký, cấp GCN theo quy định và quản lý.
 Đối với những thửa vướng dự án “treo”, Sở cũng đề xuất giải pháp, TP giao Sở QH - KT rà soát làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tách ranh giới dự án đối với trường hợp có quyết định thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện, không có khả năng GPMB. Trên cơ sở đó Sở TN&MT sẽ điều chỉnh hoặc hủy quyết định thu hồi đất và xét cấp GCN cho các hộ gia đình đang sử dụng đất…
Đến phân loại trên thực tế
Từ thực tế giám sát tại các địa phương, các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ rõ, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, giải pháp phù hợp, khó hoàn thành được mục tiêu đề ra. Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, hiện nay, việc rà soát, phân loại các thửa đât có vướng mắc cũng chưa thật thống nhất giữa các quận, huyện (mỗi địa phương phân theo một tiêu chí). Nên rất khó trong đánh giá nguyên nhân. Sở TM&TM cần chỉ đạo để đảm bảo phân loại chính xác.
Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng: Các nguyên nhân đã được chỉ ra rất rõ rồi, nhưng cần phân loại cụ thể những loại vướng mắc, để xem những trường hợp nào bất khả kháng, những trường hợp nào có thể tháo gỡ. Từ đó, mới đưa ra giải pháp, trách nhiệm của TP, của các đơn vị. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, không chỉ với các trường hợp đất ở, mà cả các căn hộ trong dự án, nhà tái định cũng phải có sự phân tích rõ vướng mắc.
Nhấn mạnh đến vai trò “nhạc trưởng” của Sở TN&MT và việc phối hợp với sở, ngành cần nhịp nhàng hơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Để hoàn thành mục tiêu, cần rà soát quy trình cấp GCN, xem có giảm được bước nào trong quy trình không để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài giải quyết dứt điểm với các trường hợp đủ điều kiện, với những trường hợp vướng mắc khó khăn, cần phân loại cụ thể các nhóm vấn đề và đề xuất các giải pháp xử lý. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT, cần hướng dẫn quận, huyện xử lý ngay; đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền TP thì tổng hợp báo cáo… “Tinh thần là phải tăng tuyên truyền, tập trung tháo gỡ; quyết liệt, nhưng phải đảm bảo chất lượng” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP lưu ý.
Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đât đai, Sở TN&MT phải xem vướng chỗ nào, có kiến nghị TP tháo gỡ ngay. Ngoài phục vụ cho cấp GCN, cũng phục vụ cho công tác quản lý đất đai sau này.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy  Nguyễn Quang Huy

Cấp GCN là nhu cầu, nhưng kê khai đăng ký quản lý đất đai là bắt buộc. Sở đã có hướng dẫn rất cụ thể về biểu mẫu kê khai. Nhưng việc tổ chức thực hiện kê khai còn do yếu tố tâm lý của người dân. Các quận, huyện, thị xã cần thông báo yêu cầu kê khai đăng ký đất đai đến từng hộ gia đình, lập hồ sơ quản lý đối với trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN. Tổ chức thanh tra, xử phạt đối với các trường hợp không kê khai đăng ký theo quy định.
Phó Giám đốc Sở TN&MT  Nguyễn Hữu Nghĩa

Sở TN&MT nên cụ thể hóa các kiến nghị trong giải quyết khó khăn vướng mắc. Như với các trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp là bao nhiêu, đất khu dân cư không phù hợp quy hoạch là bao nhiêu… để giải quyết các trường hợp cụ thể. Với các trường hợp người dân ở các khu nhà tập thể của cơ quan T.Ư không thực hiện kê khai, nên có sự liên thông để có cơ chế xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện nghĩa vụ này. Đồng thời, càng công khai, minh bạch về chủ trương chính sách, thủ tục bao nhiêu, càng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, nắm rõ và thực hiện bấy nhiêu.
Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP  Nguyễn Minh Đức