Cấp phù hiệu để quản lý xe tải nhỏ

Minh Tường thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến phản ánh thực hiện quy định về việc cấp phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa tải trọng 3,5 tấn như tạo ra một giấy phép con, gây khó cho đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải..., phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long.

 Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa dưới 3,5 tấn có bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) và gắn phù hiệu không thưa ông?

- Việc này đã được quy định rõ tại Nghị định 86/NĐ - CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Thực tế là Hà Nội hiện có hơn 10.000 xe tải loại dưới 3,5 tấn; muốn quản lý tốt hoạt động, ý thức chấp hành luật giao thông của các chủ xe này cần phải có GPS để theo dõi, có phù hiệu để phân biệt và làm chế tài quản lý. Nói một cách dễ hiểu, thì GPS giúp cơ quan chức năng biết được xe có vi phạm luật hay không; nếu vi phạm sẽ bị tước phù hiệu, như thế mới có tính răn đe.

Việc lắp đặt GPS và cấp phù hiệu có gây khó cho DN, chủ xe hay không?

- Tôi nghĩ hoàn toàn không có gì khó khăn. Quy định đã có từ năm 2015, Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương cũng đã thông báo lộ trình thực hiện đến các DN, chủ xe. Quy trình cấp phù hiệu chỉ mất đúng 3 ngày nếu đầy đủ thủ tục. Như vậy khẳng định tất cả đều có thể chấp hành và thực hiện được.

Có xe nào được miễn phù hiệu không, thưa ông?

- Có loại xe ô tô vận tải hàng hóa, nhưng không kinh doanh mà chỉ thực hiện vận chuyển nội bộ sẽ không phải xin cấp phù hiệu, nhưng phải đăng ký cấp Giấy vận tải. Ví dụ như Công ty A kinh doanh rau củ, thực phẩm; xe tải của Công ty A đưa hàng hóa từ kho bãi đến cửa hàng do chính họ quản lý, kinh doanh thì không phải gắn phù hiệu “Xe tải”. Vì thực chất đây là vận chuyển nội bộ, phục vụ kinh doanh chứ không phải kinh doanh vận tải.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần