Chính sách không theo kịp tình hình thị trường thực tế
Lý giải nguyên nhân một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động cầm cự, thậm chí phải tạm thời đóng cửa, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho biết, do cơ cấu giá đã lỗi thời. Những chi phí trong công thức tính giá xăng dầu được áp dụng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được rà soát, hiệu chỉnh lại.
“Có những phụ phí của DN bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2022 đáng lẽ phải áp dụng, nhưng chưa điều chỉnh kịp thời, nên phụ phí vẫn được tính từ đầu năm và năm trước dẫn đến việc tính thiếu cho các DN. Đơn cử như, đối với mặt hàng xăng tính phụ phí trên cơ sở giá dầu/giá xăng chỉ có 85 USD/thùng, nhưng trong quý I và hiện tại đã hơn 110 - 120 USD/thùng” - ông Bùi Ngọc Bảo dẫn chứng.
Nêu quan điểm về vấn đề chi phí xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, thời gian qua, sự thay đổi về chính sách đã không theo kịp tình hình thị trường xăng dầu phức tạp của năm 2022.
Thực tế cho thấy thời gian qua, một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu đã tăng đến 2 - 3 lần, song cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi, buộc DN đầu mối phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho cây xăng bán lẻ, tác động dây chuyền dẫn đến thị trường bất ổn thời gian vừa qua.
Vì vậy, để giải quyết tình hình khó khăn cho DN xăng dầu hiện nay, Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu lại chính sách về chi phí định mức kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp với sự thay đổi thời cuộc. Đồng thời, quy định lại chi phí cho DN phù hợp với tình hình thị trường đang biến động mạnh hiện nay, theo hướng đảm bảo cho DN kinh doanh xăng dầu không bị thua lỗ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.
“Báo cáo tổng hợp về premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) trong nước, và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực tế đã tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế, mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đầu trong nước về đến cảng” - ông Trần Duy Đông cho hay.
Rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu
Để ổn định thị trường xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu lại chi phí cho hợp lý và quy định không nên cứng nhắc theo thời gian cụ thể. Ví dụ, quy định định mức chi phí kinh doanh xăng dầu chỉ áp dụng từ 2 - 3 năm, trừ khi có biến động lớn sẽ thay đổi. Như vậy, chính sách mới đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của DN và người tiêu dùng và những khó khăn trong kinh doanh xăng dầu của các DN sẽ được giải quyết.
Về lâu dài, liên Bộ Công Thương - Tài chính cần nghiên cứu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng xăng dầu từ đầu nguồn đến người tiêu dùng sao cho phù hợp, giảm bớt trung gian để người tiêu dùng được hưởng lợi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát nguồn cung xăng dầu hợp lý, chính xác, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đề xuất giải pháp kiểm soát thị trường xăng dầu, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giá xăng dầu trong nước về cơ bản biến động theo xu hướng giá dầu thế giới. Nhưng theo quy định trong nước, giá xăng sẽ điều chỉnh 3 lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Đối với kỳ điều chỉnh trùng vào các ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc điều chỉnh 3 lần trong 1 tháng là ít, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động theo ngày. Cách điều chỉnh này khiến giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng biến động giá thế giới, dẫn đến tình trạng, nếu giá xăng dầu tăng nhưng chưa đến kỳ điều chỉnh để áp dụng giá bán mới, thương nhân kinh doanh xăng dầu sẽ “găm hàng” đề chờ giá tăng mới bán.
“Để kiểm soát linh hoạt hơn thị trường xăng dầu, thay vì điều chỉnh 3 lần trong 1 tháng, Việt Nam nên áp dụng thời gian điều chỉnh ngắn hơn để đảm bảo giá xăng dầu trong nước sát với giá thế giới” - TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.