Trước đó, ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đang quản lý.
Trao đổi với báo chí chiều 2/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc cắt 675 điều kiện kinh doanh là sự nỗ lực của ngành Công Thương trong việc thực hiện cải cách hành chính, cũng như nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng bác bỏ những nghi ngờ về tính hình thức của quyết định này, đồng thời khẳng định "Sẽ không có tình trạng mọc ra giấy phép con thay thế 675 các điều kiện kinh doanh mà thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cắt bỏ".
Nói rõ hơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc bỏ đi hơn 50% điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đang quản lý chắc chắn doanh nghiệp không phải đến để làm thủ tục tại Bộ Công Thương nữa và việc làm này sẽ mang lại điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của DN.
"Để đi đến sự đột phá trên, thể hiện ý chí của lãnh đạo, từ Bộ trưởng đến từng đơn vị liên quan và quan điểm của Bộ Công Thương là kiên quyết cắt giảm và kiên quyết cải cách hành chính", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương diễn ra sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý.
Theo Nghị định này, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo thuộc 8 lĩnh vực: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công Thương.