Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Thách thức lớn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã ra tối hậu thư về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nhằm gỡ khó cho DN. Việc cắt giảm phải được các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng trước ngày 15/8. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về tính thực chất và tiến độ cắt giảm các ĐKKD.

Tránh chạy theo hình thức

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, quy định về ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại, đến thời điểm này, mới đơn giản hóa được 606/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 ĐKKD (tương ứng 15,2%) và có 40% ĐKKD đang làm thủ tục cắt giảm.
Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% ĐKKD hiện có. Nếu không có gì thay đổi, với tiến độ trên sẽ cắt được 55% ĐKKD như đề ra trước 15/8. “Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt xử lý nhanh các thủ tục để đảm bảo thực hiện mục tiêu. Quyết tâm là phải làm thực chất, cắt giảm thật, không thể để còn những vướng mắc” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi họp báo Chính phủ mới đây.
 Hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý sẽ bị bãi bỏ.  Ảnh:  Hải Linh
Dù đang được tiến hành nhưng nhiều chuyên gia lo ngại về thực chất của việc cắt giảm này. Các chuyên gia cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật là phương án rà soát cắt giảm ĐKKD của các bộ đều đã đạt được mục tiêu về số lượng, nhưng chất lượng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phản ánh thực chất việc cắt giảm ĐKKD… Với phương án sửa đổi, có những đề xuất chỉ sửa đổi một vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi.

"Thực hiện cắt giảm các ĐKKD bất hợp lý là việc làm cần thiết, song quan trọng hơn là cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không “đẻ” thêm các ĐKKD mới. Nếu bộ, ngành nào tăng thêm một điều kiện, thủ tục cần có sự giải trình cụ thể và sự giám sát của nhiều cơ quan." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc


"Hoạt động rà soát cắt giảm các ĐKKD của các bộ thời gian tới cần được tiếp tục đẩy mạnh và toàn diện cả ở cấp nghị định và luật. Cần tránh để xảy ra hiện tượng biến tướng của ĐKKD, bề ngoài bỏ nhưng ẩn dưới hình thức khác. Cụ thể, có thể hình thức là ĐKKD đó đã được bỏ, nhưng thực chất DN vẫn phải đáp ứng, thực hiện các quy định đó nhưng dưới một dạng điều kiện khác." - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm trung bình các cơ quan Nhà nước ban hành khoảng 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và 500 trong số đó liên quan đến ĐKKD. Mỗi văn bản đó lại kèm theo hàng chục thậm chí hàng trăm các quy định có tính bắt buộc thực thi. Thậm chí, nhiều ĐKKD mới vẫn tiếp tục mọc ra, theo hướng tinh vi và bó buộc DN hơn trước. Theo VCCI, với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số ĐKKD, nhưng cần thay đổi thực chất để DN gia nhập thị trường tốt hơn và những rào cản thị trường không còn bó buộc DN.

95% nằm ở khâu thực thi

Vướng mắc trong thực hiện các thủ tục xây dựng là lĩnh vực hàng đầu gây nhiều phiền hà, tốn kém cho DN. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đóng góp tới 11% vào GDP, nhưng còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trước hết, đó là sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý. Đây là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến thủ tục về đầu tư xây dựng. Riêng Bộ Xây dựng có tới 4 luật gồm: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Còn Bộ KH&ĐT có 3 luật gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Bộ TN&MT có 2 luật gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Công an có Luật Phòng cháy chữa cháy... Đó là chưa kể đến các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… Ngoài ra, việc thực thi tại các địa phương cũng khác nhau. “Tính ra, 1 dự án từ khi bắt đầu làm thủ tục phải chuẩn bị từ 2 - 3 năm mà có khi còn không xong. Cần thay đổi, để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho DN” - ông Hiệp đề nghị.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã hoàn thiện một bản danh sách gồm 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của DN trong chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư. Trong danh sách nói trên, đáng chú ý là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, điển hình như: Sự không tương thích trong thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư; sự không rõ ràng, cụ thể về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; hay sự không thống nhất về thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất, hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất…

Một lĩnh vực khác là kiểm tra chuyên ngành hải quan, nhiều DN cũng nêu thực trạng hiện nay một mặt hàng nhưng chịu sự quản lý của cùng lúc 2 - 3 bộ, ngành. “Cơ chế “một cửa” quốc gia thực hiện 3 năm rồi nhưng vẫn có trường hợp một cửa nhưng nhiều khóa. Vấn đề này cần phải thay đổi nhanh chóng, cùng với đó là sửa đổi các văn bản để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh" - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng, cắt giảm ĐKKD mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả sẽ không cao. Để việc cắt giảm thực sự hữu ích trong thực tế, các bộ cần có phương án giám sát việc áp dụng luật đối với các đơn vị, sở ngành được giao cấp phép.

Cắt giảm đã khó, thực thi hiệu quả còn khó hơn, nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, khâu tổ chức thực hiện chiếm tới 95% thành công của chương trình cải cách. Giải pháp trên giấy cùng các cam kết chỉ đóng góp 5%, dù cho điều đó mạnh mẽ đến đâu. Bởi vậy để thực thi hiệu quả và tránh “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm, điều quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý, nên chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.