Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Thực hiện BĐG là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Điểm nổi bật trong thực thi BĐG ở Việt Nam là hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về BĐG. Tổ chức bộ máy về BĐG từng bước được xây dựng, củng cố, kiện toàn để làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước. Trong các lĩnh vực đã có những điểm sáng về BĐG: Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Việt Nam xếp thứ 60/193 quốc gia và xếp thứ 4/11 nước trong khu vực ASEAN. Nữ giới chiếm 48,3% lực lượng lao động của cả nước; tỷ lệ biết chữ của phụ nữ ở độ tuổi từ 15 - 24 đạt 96,5%...
Tuy nhiên, việc thực hiện BĐG vẫn còn chậm, đôi khi thụt lùi trong một số lĩnh vực. Bất bình đẳng giới, bạo lực phần lớn vẫn nghiêng về phụ nữ và trẻ em gái. Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về những giá trị và vai trò của nam giới phải là người trụ cột trong gia đình và ngoài xã hội; phụ nữ chỉ lo việc chăm sóc gia đình đã và đang tồn tại dai dẳng như một thách thức, trở ngại lớn để xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam , Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016 - 2020. Từ 15/11 - 15/12 hàng năm sẽ triển khai Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Năm nay, với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Thứ trưởng Đàm cho rằng, các chính sách, chương trình hành động và vai trò của truyền thông cần làm thay đổi những quan điểm lạc hậu về giá trị và vai trò của phụ nữ và nam giới. Cùng với tăng quyền năng, phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nam giới cũng xây dựng được niềm tin có thể đảm đương vai trò chăm sóc gia đình như phụ nữ.
Trước tình trạng rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái phải trải qua bạo lực, xâm hại, Thứ trưởng Đàm cho rằng, phải phát triển mạng lưới nhân viên công tác ở cộng đồng để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ. Đồng thời động viên các nạn nhân lên tiếng chống lại những vi phạm trong bạo lực giới. Đàn ông phải là người biết tôn trọng, sẻ chia đối với phụ nữ và trẻ em gái ngay từ trong gia đình, nhất là vợ, con để xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.