787,9 tỷ đồng được giải ngân
Ngày 12/8, tại Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, với sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Có thể khẳng định, hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ là một chính sách chủ trương rất đúng và rất trúng của chúng ta. Tuy nhiên, gần đến hạn cuối cùng nộp hồ sơ (15/8) nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương giải ngân đạt tỉ lệ còn thấp. Đến 18 giờ ngày 11/8/2022, các địa phương đã giải ngân cho 17.627 DN với 1.117.107 NLĐ, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến). Hiện tại có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Quá sốt ruột với việc thực hiện gói 6.600 tỷ đồnghỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ còn quá chậm, ngay khi bắt đầu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh công khai 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, tính đến 18 giờ 30 ngày 11/8, là: An Giang 0,36%, Hải Phòng 0,40%, Bình Định 0,47%, Nghệ An 0,95%, Vĩnh Long 1,06%, Thanh Hóa 1,16%, Bắc Ninh 1,57%, Quảng Trị 1,60%, Quảng Nam 2,16%, Bình Thuận 2,25%.
10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất, bao gồm: Đồng Nai 29,30%, TP Hồ Chí Minh 7,83%, Hà Nội 24,79%, Bình Dương 6,16%, Bắc Giang 39,42%, Tiền Giang 36,26%, Long An 6,03%, Bình Phước 35,21%, Thái Nguyên 39,43%, Tây Ninh 13,67%.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung biểu dương 10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất so với dự kiến ban đầu là Trà Vinh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Hậu Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Gia Lai, Tiền Giang. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhắc nhở 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất; phê bình 4 địa phương chưa giải ngân đồng nào, dù số lượng ít là Sơn La, Phú Yên, Bắc Cạn, Hà Giang.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Sơn La Nguyễn Tuấn Anh đã nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc đến hôm nay chưa thực hiện giải ngân. Lý do bởi, Sơn La là tỉnh có một khu công nghiệp đang được đầu tư, với 5 DN đang hoạt động sản xuất sản xuất kinh doanh, thu hút được 200 công nhân, chỉ có 13 công nhân đi thuê nhà. “Các DN nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ một lần; ngày 27/7, UBND tỉnh đã phê duyệt, chiều hôm qua 11/8 đã chuyển kinh phí, trước 17 giờ 30 chiều nay, Sơn La sẽ hoàn thành việc chi trả hỗ trợ tiền cho NLĐ. Nếu sau 17 giờ 30 chiều nay, NLĐ không nhận được tiền hỗ trợ thì tôi xin từ chức” – ông Nguyễn Tuấn Anh cam kết.
TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương có dự kiến kinh phí lớn nhất 1.777.599.000.000 đồng nhưng tiến độ giải ngân mới đạt 7,83%. Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh báo cáo: TP có số lượng DN và lao động lớn, do đó cần có thời gian thực hiện. Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai hoặc trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót.
Một số nơi “đẻ” thêm thủ tục gây khó khăn cho người lao động
Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung kết luận: Đến nay, hầu hết các địa phương đều đã triển khai hỗ trợ, đơn vị cao nhất giải ngân đạt 62,19%, mấy đơn vị đạt trên 50%, 10 tỉnh thành đạt 30 – 40% đã cho thấy bước nhảy vọt, kể từ ngày 4/8 phiên họp Chính phủ nay. Tuy nhiên vẫn còn 10 tỉnh, TP có tỉ lệ giải ngân rất thấp dưới 1 – 2%. Cá biệt còn 4 địa phương chưa giải ngân đồng nào cho NLĐ, đều rơi vào số lượng rất ít.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chậm, một là có nhận thức chưa đúng, chưa coi trọng đúng mức việc này. Một số nơi còn thờ ơ với chính sách này, coi đây là trách nhiệm của riêng ngành LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội, DN, dẫn đến chưa tập trung chỉ đạo. Một số nơi phát sinh thủ tục như yêu cầu xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy đặng ký tạm trú tạm vắng; cá biệt có nơi đưa qua HĐND phê duyệt danh sách vô hình chung đã gây thêm khó khăn cho người sử dụng lao động và NLĐ.
Với TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Sở LĐTB&XH tham mưu UBND TP có văn bản gửi DN rà soát và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trước ngày 15/8. Với số hồ sơ đã phê duyệt thì khẩn trương giải ngân; và xác nhận nhanh hồ sơ DN đã gửi nhưng chưa được phê duyệt. Ngày 30/8 TP Hồ Chí Minh phải cơ bản hoàn thành việc giải ngân này.
Để việc nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, phê duyệt đúng tiến độ và giải ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị những địa phương đã làm tốt, hiện đang dẫn đầu thì phấn đấu 3 việc: Tập trung tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ, những trường hợp chưa nộp hồ sơ thì phải nộp hồ sơ trước ngày 15/8; những hồ sơ đã tiếp nhận rồi thì khẩn trương thẩm định phê duyệt; những hồ sơ đã phê duyệt rồi thì ngay lập tức phải chi tiền cho NLĐ theo quy định. Bộ trưởng Đào ngọc Dung yêu cầu áp dụng CNTT trong việc kiểm tra hồ sơ, trả tiền vài tài khoản.
Người đứng đầu ngành LĐTB&XH đề nghị tất cả các địa phương phân công 1 lãnh đạo tỉnh, TP trực tiếp chỉ đạo việc này. “Về mốc phấn đấu, chúng ta có hai mốc: Thứ nhất là nhận hồ sơ xong trước ngày 15/8; mốc thứ hai, chậm nhất là ngày 30/8 tất cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân còn thấp thì phải thực hiện xong, những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 30 – 40% thì ngày 20/8 và 25/8 phải xong, tùy theo thời gian các đồng chí đã hứa tại hội nghị” – ông Đào Ngọc Dung cương quyết.
Các địa phương tổ chức những đoàn đi kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ về tiến độ, hồ sơ phê duyệt, quy trình phê duyệt. Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra đánh giá, đôn đốc thực hiện. Với 4 địa phương chưa giải ngân đồng nào (Phú Yên, Hà Giang, Bắc Cạn, Sơn La), yêu cầu chậm nhất từ nay đến Chủ nhật phải thực hiện xong, vì số lượng người hỗ trợ rất ít. Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH sẽ công khai thông tin báo chí 3 ngày 1 lần.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ là rất nhân văn và là quyết định rất hợp lòng dân được sự đồng thuận của NLĐ. Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong các giám đốc Sở LĐTB&XH, cán bộ, nhân viên cùng với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, tài chính, Công an vào cuộc thực sự để chính sách này đến với NLĐ nhanh nhất và hiệu quả nhất.