Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chàng Sơn phát triển nghề truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù ở thời điểm nào trong năm, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cũng luôn sôi động như một công xưởng lớn. Khắp xã, nơi nào cũng một không khí hăng say lao động sản xuất, tạo ra những sản phẩm tinh xảo từ nghề truyền thống.

Những nghề mộc, mây tre giang đan, nghề làm bánh, kẹo... đã  giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo các cụ cao niên trong xã, ngày xưa tên làng là “Nủa Chàng” nổi tiếng với làm nghề mộc ("chàng" là tên một dụng cụ làm nghề). Năm 1956, làng đổi tên thành “Chàng Sơn”, là một trong những làng nghề lâu đời của Xứ Đoài xưa. Những sản phẩm của người dân nơi đây làm ra chủ yếu là nhà gỗ, bàn ghế, giường tủ, ván ép… Ngoài ra, Chàng Sơn còn có nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, quạt giấy rất nổi tiếng, được bạn bè gần xa biết đến. Các sản phẩm làm ra được tiêu thụ trên thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống của người dân địa phương.
Nghề mây tre đan xuất khẩu đang phát triển mạnh ở xã Chàng Sơn.
Nghề mây tre đan xuất khẩu đang phát triển mạnh ở xã Chàng Sơn.
Anh Phí Bá Thắng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Tấn Xuân tâm sự, ngay từ nhỏ, khi mới biết cầm cái đục, cái bào..., anh đã được ông và bố chỉ dạy những kỹ năng cơ bản về đục đẽo, tạo hoa văn trên gỗ để làm ra những sản phẩm truyền thống. Nhờ đó, đến tuổi trưởng thành, anh đã có kiến thức vững chắc về nghề. Trong làng, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước nên nghề mộc ở Chàng Sơn không bị mai một mà ngày càng được mở rộng và phát triển theo cơ chế thị trường. "Những sản phẩm gia đình tôi làm ra chủ yếu là bàn ghế, giường tủ… với nhiều mẫu mã khác nhau, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Doanh thu mỗi năm của gia đình khoảng hơn một tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng" - anh Thắng cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Linh, một người làm nghề lâu năm ở Chàng Sơn chia sẻ, trước đây, quá trình sản xuất từ khâu xẻ gỗ đến khi hoàn thiện sản phẩm đều thực hiện thủ công, người thợ trực tiếp làm bằng tay như đục, đẽo, cưa… Đến nay, các hộ gia đình làm nghề trong xã đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc với nhiều loại máy khác nhau như máy cưa, máy xẻ, máy đục, máy bào… đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo, có chất lượng đảm bảo hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Thiết - cán bộ xã Chàng Sơn, cả xã hiện có 2.456 hộ với gần 10.000 nhân khẩu, sinh sống ở 7 thôn thì có tới 80% số hộ làm nghề chế biến và sản xuất gỗ, cho thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, năm 2002, Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn được quy hoạch với tổng diện tích gần 11ha, với khoảng gần 400 hộ dân làm nhà xưởng sản xuất mộc. Thế nhưng, số hộ có mặt bằng sản xuất mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng số hộ làm nghề, số còn lại (hơn 80%) vẫn đang loay hoay, sản xuất trong không gian chật hẹp ngay tại gia đình. Để đáp ứng phần nào nhu cầu về mặt bằng sản xuất của người dân, các DN, trong thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng đề án quy hoạch thêm khoảng 40ha đệ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các trường, trung tâm dạy nghề nằm trên địa bàn huyện mở các lớp đào tạo để nhân cấy các nghề: Khảm trai, chạm trổ…; đồng thời, nâng cao tay nghề cho người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp Nhân dân có thêm kiến thức trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống ở địa phương.