Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chặt chém” du khách đang làm hại ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch đang phục hồi với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, quán ăn “chặt chém”, gây bức xúc cho du khách và ảnh hưởng lớn hình ảnh du lịch Việt Nam.

Có cơ hội là “chặt chém”

Những ngày cuối tháng 5/2023, vụ việc suất bún chả giá 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) khiến cộng đồng mạng xôn xao trước tình trạng kinh doanh chộp giật “mài dao 9 tháng chặt 3 tháng”.

Trước đó, ngày 19/5, trên một diễn đàn lớn về ô tô xe máy, thành viên Trung Nam Đỗ cũng chia sẻ hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 Sân bay Nội Bài. Theo hóa đơn thành viên trên đăng tải, 3 bát phở bò tái có giá 29,4 USD (tương đương 690.000 đồng), 1 bát phở bò chín có giá 8,7 USD (tương đương 204.000 đồng), 1 cốc trà đá có giá 4,5 USD (tương đương 105.000 ngàn đồng). Với mức giá cao như vậy, nhiều người cho rằng đây là hiện tượng "chặt chém" bởi giá cả ăn uống ở sân bay quốc tế Changi (Singapore) cũng không đắt đến vậy.

Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (TP Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cồn Sơn (TP Cần Thơ). Ảnh: Hoài Nam

Đây không phải là lần đầu tiên du khách đối mặt với hiện tượng này. Trước đó tháng 1/2023, một nhà hàng ở Sapa bị phạt 7,5 triệu đồng vì tự ý nâng giá so với niêm yết đối với du khách Thái Lan. Tháng 4/2023, TP Nha Trang xử phạt một hộ kinh doanh hơn 20 triệu đồng vì “chặt chém” khách Trung Quốc.

Thực tế cho thấy không chỉ tiểu thương mới kinh doanh chộp giật, mà ngay cả những doanh nghiệp quy mô lớn vì lợi ích trước mắt cũng sa đà vào kiểu kinh doanh này.

Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành phản ánh, sau khi  tuyến cao tốc Mũi Né - Dầu Giây đi vào hoạt động, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Mũi Né (TP Phan Thiết) nên du khách đã đổ về địa điểm này du lịch. Thế nhưng nhiều khách sạn, resort ở Mũi Né ép du khách phải đặt bữa ăn tại nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) mới cho thuê phòng lưu trú.

Khách du lịch tham quan Cầu Vàng (TP Đà Nẵng). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cầu Vàng (TP Đà Nẵng). Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty Du lịch Mỹ Phúc Happy Travel Trần Thị Hạnh phản ánh, đa số khách sạn, resort ở đây chỉ nhận đoàn lưu trú từ 2 đêm trở lên và từ chối các đoàn lưu trú 1 đêm. Có những khách sạn nhận đặt phòng 1 đêm nhưng tăng giá thuê phòng thêm 500.000-700.000 đồng/đêm. Một số khách sạn không ép giá nhưng ép khách dùng bữa ăn tại khách sạn với giá cao gần gấp đôi so với bên ngoài.

Phân tích nguyên nhân khiến hiện tượng “chặt chém” du khách đang có nguy cơ bùng nổ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nêu rõ, đây là tư duy mùa vụ, “ăn xổi”, thay vì nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, các doanh nghiệp liên quan tới điểm đến đã tranh thủ tận thu khi đông khách.

Cụ thể, hàng không tăng giá vé, khách sạn tăng phí dịch vụ, nhà hàng nhân dịp này “chặt chém” du khách. “Đây là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, những vụ việc chỉ xảy ra ở một số địa phương nhưng làm xấu hình ảnh du lịch quốc gia, khiến du lịch mãi ì ạch” - ông Nguyễn Mạnh Thản khẳng định.

Cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm

Để khắc phục bất cập, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam tươi đẹp, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm trong việc ngăn chặn hiện tượng này cũng như định hướng kinh doanh cho người dân.

Khách du lịch tham quan vườn dừa (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan vườn dừa (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam

Trưởng khoa Du lịch (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, để ngăn chặn nạn “chặt chém”, bắt chẹt du khách đòi hỏi cơ quan quản lý xử lý nghiêm bằng pháp luật với chế tài đủ sức răn đe.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phê phán, điều chỉnh những hành vi bắt chẹt du khách qua đó làm sạch môi trường du lịch.

Đồng tình với ý kiến này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, chính quyền địa phương cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý du lịch. Cụ thể yêu cầu các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm. Công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ… du khách.

Khách du lịch tắm biển tại đảo Hoa Lan (TP Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tắm biển tại đảo Hoa Lan (TP Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp, Trưởng Ban Lữ hành, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Văn Tài cho rằng, phải kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong chèo kéo, đu bám du khách. Nếu xảy ra tình trạng “chặt chém”, lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xử lý, đặc biệt là bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi đối với du khách đã bị “chặt chém”. Đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối địa điểm du lịch để ép buộc du khách phải sử dụng dịch vụ.

Trước vấn nạn "chặt chém" đang làm xấu xí hình ảnh du lịch Việt, Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt và nhiều doanh nghiệp có chung kiến nghị, điều ngành du lịch cần làm ngay là ban hành một bộ tiêu chí chấm điểm quản trị, phát triển du lịch cho các tỉnh, thành.

Khách du lịch tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Các tiêu chí có thể bao gồm quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch; Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, bến bãi...; Chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ. “Bộ tiêu chí khi được ban hành sẽ tạo áp lực khiến nhà quản lý địa phương phải vào cuộc ngăn chặn hiện tượng “chặt chém” - ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.