Chất lượng không đi kèm giá vé

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin vé xem buổi ghi hình “Táo quân 2019” được rao bán với giá từ 8 – 14 triệu đồng/cặp, tùy vị trí ghế ngồi. Nhiều bình luận trên mạng đã đánh giá độ hot của chương trình không thua kém vé vào sân xem trực tiếp đội tuyển Việt Nam thi đấu tại giải AFF Cup 2018. Nhưng quan trọng hơn cả, chất lượng chương trình “Táo quân” đang ngày càng làm người xem thất vọng.

 Ảnh minh họa
“Táo quân” là chương trình không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam khi Tết đến. Với sự tham gia của dàn diễn viên quen thuộc như Vân Dung, Tự Long, Xuân Bắc.., khán giả nào cũng hào hứng mong chờ một chương trình “Táo quân” tuyệt vời của năm nay. Ở đó, khán giả được cười, khóc trước những ngôn từ và cách thể hiện trào phúng, về vấn đề nổi cộm trong một năm. Buổi ghi hình chương trình “Táo quân” năm 2019 diễn ra trong ba tối 25, 26 và 27/1, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội. Đây vốn là chương trình từ trước đến nay không hề bán vé, chỉ sản xuất vé mời, thế nhưng được biết trên mạng xã hội vẫn xuất hiện hàng loạt những lời rao bán với giá “cắt cổ”.
Qua 16 năm lên sóng, có thể khẳng định “Táo quân” là chương trình có tiếng cười sâu cay nhất còn sót lại nhưng càng ngày càng nhạt. Đã có những năm như 2009, “Táo quân” được nhận xét là xuất sắc, những bản nhạc chế về lũ lụt đến bây giờ vẫn còn được nhắc lại, xem lại. Nhưng cũng có những năm, chương trình gây thất vọng và bị chê thậm tệ. Đặc biệt, năm 2018, với các vấn đề thuốc ung thư giả, cải cách giáo dục dù là vấn đề nổi bật nhưng đã không được lên án trực diện mà có phần né tránh nên thiếu hấp dẫn. “Táo quân” luôn dễ bị rơi vào hai trạng thái của sự phản ứng: Hay hoặc nhạt. Và khi khán giả chịu bỏ ra cả chục triệu đồng để mua cặp vé luôn mong muốn xem một chương trình hấp dẫn, nhưng theo cảm nhận chung của khán giả có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội những hôm ghi hình chương trình thì năm 2019, dù đã “cù” mà khán giả vẫn không thể cười. Tình tiết dài dòng ở các vấn đề cổ vũ bóng đá cuồng nhiệt, vụ ly hôn đầy tranh cãi của cặp vợ chồng vua cà phê quyền lực, cải tiến Tiếng Việt… đã không thật sự hấp dẫn người xem. Nhiều người ra về trong tâm trạng tiếc tiền hùi hụi.

“Táo quân” - một thương hiệu về tiếng cười sâu cay và tử tế, nếu dừng lại cũng thực sự là điều đáng tiếc. Hiếm có chương trình hài kịch truyền hình nào ở Việt Nam được đầu tư chỉn chu; các nghệ sĩ dành nhiều tâm sức tập luyện xuyên đêm nhiều tháng trời như vậy. Thế nhưng, 16 năm cũng là hành trình đủ dài để một chương trình nghệ thuật thay đổi và đón nhận format mới. Vẫn là Ngọc Hoàng, vẫn có các Táo, nhưng biết đâu thông qua cách kể mới, khán giả sẽ đón nhận với một tâm thế mới, bớt kỳ vọng hơn và cũng bớt so sánh hơn. Để dù không có quan hệ với nhà Đài để có được tấm vé vào xem, phải bỏ tiền mua vé “chợ đen”, khán giả đến xem trực tiếp vẫn được thỏa mãn cười cùng “Táo quân”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần