Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng tăng trưởng nâng lên, môi trường kinh doanh cải thiện

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó điểm sáng lớn nhất để đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu là thành công trong phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu cùng sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi doanh nghiệp.

Sáng nay 28/12, Chính phủ bắt đầu phiên họp trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Hội nghị có khoảng gần 6.000 đại biểu từ các điểm cầu Hà Nội, 63 tỉnh thành, các ủy viên trong Ban Chấp hành trung ương, bí thư các tỉnh thành, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước theo dõi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

 Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018. 
Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2017 tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhiều yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục. Thiên tai dồn dập, gây thiệt hại lớn. Tăng trưởng những tháng đầu năm chậm, nhiều khó khăn nảy sinh ở các lĩnh vực...,lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, toàn hệ thống đã vào cuộc. Chúng ta đã kiên định mục tiêu rất cao mà Quốc hội đề ra, nhiều ngành, địa phương tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực phát triển.
Đến nay, kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn bộ 13/13 chỉ tiêu được hoàn thành. Tăng trưởng GDP ước đạt 6,81%, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử…
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,0%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, trong đó giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỉ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tỉ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (2015 tỉ lệ này là 38,7%, 2016 là 38,9%, ước tính 2017 là 40,6% ). 2017 là năm mà số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.  Trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 doanh nghiệp, trong đó có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Ngoài ra, năm 2017 là năm ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 420 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu  ước 214 tỷ USD, có 5 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 19 tỷ USD - mức chưa năm nào đạt được. Tính chung cả năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu 2,7 tỉ USD.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỷ đồng, tương đương với 223 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế đã có nhiều cải thiện. Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động cũng có nhiều cải thiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ, được quốc tế đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Trong đó:  chỉ số về mức độ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tăng 6 bậc, từ 87 lên 81; chỉ số thực hiện trách nhiệm nộp thuế tăng cao nhất trong tất cả các chỉ số với 81 bậc, từ 167 lên 86; Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137.
Năm 2018, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.