KTĐT - Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế liên tục trong 2 thập kỷ qua của châu Á có nguy cơ bị phương hại nếu các chính phủ châu Á không hành động khẩn cấp để cân bằng.
Liên hợp quốc ngày 1/11 cảnh báo hệ thống cơ sở hạ tầng của các thành phố châu Á đang không đáp ứng được nhu cầu của dân số đô thị ngày càng tăng nhanh, do đó kêu gọi các chính phủ châu Á cần có chương trình tăng đầu tư khẩn cấp vào kết cấu hạ tầng để giảm căng thẳng giữa nhu cầu dịch vụ của dân cư đô thị và khả năng hạn chế của cơ sở hạ tầng các thành phố.
Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN HABITAT) nhấn mạnh các chính phủ châu Á cần nhận thức rằng đô thị hóa tăng nhanh trong 2 thập kỷ qua là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế, song đầu tư của châu Á vào cơ sở hạ tầng đô thị như nhà ở, dịch vụ cung cấp nước sạch, vệ sinh… đã không tương xứng với sức tăng dân số.
Những lợi ích của tăng trưởng kinh tế liên tục trong 2 thập kỷ qua của châu Á có nguy cơ bị phương hại nếu các chính phủ châu Á không hành động khẩn cấp để cân bằng, trong khi sức ép dân số tạo ra những nhu cầu mới và cấu trúc đô thị mới.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ năm 1990 đến 2010, dân số các đô thị châu Á đã gia tăng bằng cả dân số Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại. Không châu lục nào trên thế giới có sự gia tăng dân số lớn trong một thời gian ngắn như vậy.
Trong thập kỷ qua, các thành phố châu Á chiếm tới 2/3 mức tăng của dân số đô thị toàn cầu. 11 trong số 15 thành phố khổng lồ từ 10 triệu dân trở lên trên thế giới hiện là các thành phố châu Á.
Hơn 50% dân số đô thị châu Á, hiện sống trong các thành phố dưới 500.000 người, đang khẩn cấp cần các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản thích hợp để thúc đẩy các nền kinh tế đô thị nhằm phát triển bền vững và cân bằng.
Các thành phố châu Á được lợi từ mật độ dân số cao và tiềm lực sản xuất cao. Với mật độ dân cư cao nhất thế giới với mức 10-20.000 người/1km2 cùng với việc sử dụng đất phức tạp và đa dạng, các thành phố châu Á rất có lợi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, nhưng chi phí thấp và giảm nhu cầu các hệ thống vận tải công cộng quy mô lớn.
Dân số đô thị chiếm 42% dân số các nước châu Á-Thái Bình Dương nhưng đóng góp tới 80% tổng thu nhập nội địa (GDP) của khu vực này.
GDP theo đầu người của châu Á-Thái Bình Dương tăng liên tục từ năm 1990, và từ năm 2000 đến 2005 tăng hàng năm 4,4%, nhanh hơn tất cả các khu vực khác và gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu.
UN HABITAT cho rằng dân số đô thị tăng nhanh cùng với cạnh tranh toàn cầu đang tăng lên đòi hỏi các thành phố châu Á phải có hệ thống cơ sở hạ tầng tương xứng.
Hầu hết các thành phố châu Á đều trong thời kỳ đầu của quá trình đô thị hóa nên có cơ hội thuận lợi để phát triển đô thị bền vững.
Kết hợp giảm đói nghèo với xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp có thể giúp các thành phố châu Á tận dụng được lợi thế dân số lớn để giảm bớt chi phí phát triển các dịch vụ cơ bản.
Vì các thành phố trở thành động lực của năng động kinh tế châu Á, các vấn đề đô thị cần trở thành trung tâm của chính sách phát triển quốc gia.