Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu: Ám ảnh nguy cơ khủng hoảng lần hai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù năm 2010, một năm đáng quên của Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt cơn ác mộng về tài chính của khu vực.

KTĐT - Mặc dù năm 2010, một năm đáng quên của Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt cơn ác mộng về tài chính của khu vực.

 

Ngược lại khủng hoảng lần hai hoàn toàn có thể xảy ra do Chính phủ và ngân hàng các nước EU sẽ phát hành một lượng lớn trái phiếu để trả các khoản nợ khổng lồ trong năm 2011. Ngay từ đầu năm, hồi chuông báo động đã bắt đầu rung lên khi Hy Lạp thừa nhận khó có khả năng thanh toán các món nợ mà nước này đã vay mượn trên thị trường.

 

Theo Ngân hàng Italia UniCredit, trong năm 2011, các nước Eurozone sẽ phải trả nợ 560 tỷ Euro (khoảng 736 tỷ USD), một khoản đáo hạn kỷ lục trong lịch sử 11 năm của đồng Euro và nhiều hơn tới 45 tỷ Euro (59 tỷ USD) so với khoản nợ phải thanh toán của năm 2010. Riêng Bồ Đào Nha sẽ phải trả 20 tỷ Euro (26 tỷ USD) vào giữa năm 2011.

 

Ông Celestino Amore, thuộc Công ty IlliquidX chuyên kinh doanh những khoản nợ khó định giá đã nhận định: Chính phủ các nước châu Âu có thể làm chậm lại quá trình khủng hoảng tín dụng nhưng không thể giải quyết được vấn đề do "vẫn còn hàng nghìn tỷ USD các khoản nợ cần được tái cấp vốn hoặc bán đi". Ngân hàng Citigroup cũng có chung quan điểm trên khi cho rằng: "Sự sụp đổ theo hiệu ứng domino rất có khả năng sẽ xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và các nền kinh tế châu Âu, nếu các nhà lãnh đạo khu vực này không kịp thời có biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng nợ công." Thực tế, nửa đầu năm 2011, hệ thống ngân hàng thuộc EU sẽ phải thu hồi các khoản vay khoảng 400 tỷ Euro, trong khi Chính phủ châu Âu phải hoàn trả hơn 500 tỷ Euro, cũng hàng trăm tỷ Euro để đáo hạn các khoản nợ khác.

 

Theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế, các Chính phủ châu Âu hiện cần vay khoảng 3.000 tỷ USD để chi trả cho các chủ nợ. Riêng Tây Ban Nha và Italia sẽ buộc phải bán hơn 400 triệu Euro trái phiếu trong những tháng đầu năm để thanh toán nợ đến kỳ. Trước mắt, châu Âu chỉ có hai con đường: một là thanh lý tài sản, hai là phát hành trái phiếu để lấy tiền trả nợ.

 

Tuy nhiên, nếu tất cả chọn con đường thứ nhất thì chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc chạy đua thanh lý tài sản - nguyên nhân gây khủng hoảng tín dụng vào mùa hè năm 2007. Con đường thứ hai cũng gian nan không kém khi tỷ lệ lợi tức trái phiếu Chính phủ các nước EU liên tục tăng cao khiến nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu ngày càng hiện hữu. Trong hai tuần đầu tháng 12/2010, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Tây Ban Nha có tỷ lệ lợi tức tới 5,5%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Tỷ lệ lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Đức - nền kinh tế mạnh nhất EU cũng tăng lên 3%. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu châu Âu sẽ không thể vận hành nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đẩy mạnh mua vào, nhất là khi một mình ECB không thể "gom" hết được tất cả số trái phiếu mà các Chính phủ phát hành.

 

Trong bối cảnh chồng chất khó khăn ấy, từ 1/1/2011, Estonia đã trở thành thành viên thứ 17 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Sự kiện này dấy lên nhiều tranh cãi trong nội bộ Estonia nói riêng và Eurozone nói chung. Gần 40% người dân phản đối việc gia nhập Eurozone do lo ngại tác động của cuộc khủng hoảng nợ từ châu Âu đến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang EU. Ngược lại, người dân EU cũng lo sợ Estonia, nước nghèo nhất trong Eurozone sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế vốn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ của mình.