Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu gấp rút tìm cách bù đắp lỗ hỏng quân sự

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU đang gặp khó trong việc khắc phục những hạn chế về vũ khí do thiếu hụt ngân sách dành cho quốc phòng.

Xung đột tại Ukraine và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới đã bao phủ lên hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vừa diễn ra gần hai tuần trước. Các quan chức của khối đang phải đánh giá lại khoản chi phí khổng lồ cần thiết để bù đắp lổ hỗng hệ thống phòng thủ của châu Âu.

Năm ngoái, nhiều nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí về kế hoạch cải tổ năng lực phòng thủ trong toàn khối khi những lo ngại về sức mạnh của quân đội Nga ngày càng gia tăng. Các quan chức đã nghiên cứu kỹ lưỡng những yêu cầu phòng thủ tối thiểu để đáp ứng kế hoạch này và đã gửi đến các quốc gia thành viên trong những tuần gần đây.

Châu Âu đang thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng. Ảnh: Reuters
Châu Âu đang thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Một quan chức NATO cho biết những nghiên cứu này đã nêu bật tình trạng thiếu hụt vũ khí trong quân đội NATO và tính toán số tiền cần thiết để giải quyết vấn đề. Reuters viện dẫn một số nguồn tin tiết lộ những thách thức mà khối quân sự này đang gặp phải, như: tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa, quân số, đạn dược, những khó khăn về hậu cần cũng như thiếu trang thiết bị liên lạc trên chiến trường.

Theo Reuters, các nhà hoạch định NATO cho biết khối sẽ cần từ 35 đến 50 lữ đoàn bổ sung để chống lại một cuộc tấn công của Nga. Một lữ đoàn bao gồm 3.000 đến 7.000 quân, tức là khối này cần từ 105.000 đến 350.000 quân.

Những phát hiện này cho thấy NATO đang gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu. Không những vậy, thách thức còn lớn hơn khi các thành viên khó có thể đáp ứng ngân sách dành cho quốc phòng theo yêu cầu của khối cũng như những bất đồng về lập trường cứng rắn đối với Nga.

Ngoài ra, sức ảnh hưởng của NATO có thể bị hạn chế nếu cựu Tổng thống Donald Trump dành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Thành viên Đảng Cộng hòa luôn đưa ra những lời chỉ trích đối với khối cũng như phê phán châu Âu chỉ biết phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho các hoạt động của NATO. Theo ước tính của khối vào tháng 6, nền kinh tế số một thế giới sẽ chi 967,7 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2024, gấp khoảng 10 lần so với Đức, quốc gia chi tiêu lớn thứ hai, với 97,7 tỷ USD. Tổng chi tiêu quân sự của NATO cho năm 2024 ước tính là 1.474,4 tỷ USD.

Tại hội nghị thượng đỉnh Washington diễn ra từ ngày 9 đến 11/7, một số nhà hoạch định chính sách châu Âu đã thừa nhận bất kể ai thắng cử vào tháng 11, châu lục này đều sẽ phải tăng chi tiêu quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh: "Chúng ta cần nhận ra rằng nước Mỹ sẽ dồn trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống. Do đó các thành viên châu Âu trong NATO phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn".

Một quan chức NATO cho biết các nhà lãnh đạo liên minh đã đồng thuận tại Washington rằng việc dành chi tiêu cho quốc phòng vượt quá 2% GDP sẽ là cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Ông tiết lộ 23 thành viên hiện đáp ứng yêu cầu tối thiểu 2% hoặc vượt quá.

"Bất kể kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ như thế nào, các đồng minh châu Âu vẫn cần phải tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cũng như kho đạn dược" - quan chức NATO cho biết.

NATO đang trong giai đoạn cảnh báo cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, khi nhiều quan chức, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công của Nga vào khối trong vòng năm năm tới.