Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu "phân biệt đối xử" với người tiêm các loại vaccine Covid-19 khác nhau?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù vaccine AstraZeneca sản xuất ở châu Âu đã được cơ quan quản lý thuốc của châu lục này cho phép, nhưng những vaccine tương tự sản xuất ở Ấn Độ lại không được “bật đèn xanh”.

Sau khi Tiến sĩ Ifeanyi Nsofor và vợ hoàn thành 2 liều vaccine AstraZeneca tại Nigeria, họ cho rằng sẽ được tự do đi du lịch vào mùa hè này đến một điểm đến châu Âu. Nhưng họ đã nhầm.
Cặp vợ chồng trên cũng như hàng triệu người khác đã được tiêm chủng phòng Covid-19 thông qua nỗ lực do Liên Hợp quốc hỗ trợ, vẫn có thể bị cấm nhập cảnh vào nhiều quốc gia châu Âu và các quốc gia khác vì những quốc gia đó không công nhận phiên bản vaccine ngừa Covid-19 do Ấn Độ sản xuất.
 Châu Âu đang gây ra làn sóng dư luận về việc phân biệt đối xử với các vaccine Covid-19 khác nhau. Ảnh: AP
Các cơ quan quản lý của EU cho biết hãng AstraZeneca chưa hoàn thành thủ tục giấy tờ cần thiết đối với nhà máy ở Ấn Độ, bao gồm các chi tiết về thực tiễn sản xuất và tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng.
Nhưng một số chuyên gia khẳng định, động thái của EU mang tính phân biệt đối xử và phản khoa học, bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kiểm tra và chấp thuận hoạt động sản xuất tại các nhà máy này. Các quan chức y tế cho biết động thái trên không chỉ làm phức tạp những nỗ lực thúc đẩy du lịch và làm nản lòng các nền kinh tế mong manh, mà còn làm suy yếu niềm tin về vaccine bằng cách dán nhãn một số mũi tiêm không đạt tiêu chuẩn.
Đầu tháng này, Liên minh châu Âu đã giới thiệu chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số, theo đó cho phép người dân EU di chuyển tự do trong khối 27 quốc gia với điều kiện đã được tiêm một trong bốn mũi do Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép, có xét nghiệm âm tính mới, hoặc có bằng chứng gần đây họ đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19.
Mặc dù Mỹ và Anh vẫn đóng cửa phần lớn đối với du khách bên ngoài, nhưng chứng chỉ của EU được coi là một mô hình tiềm năng cho du lịch trong kỷ nguyên Covid-19 và là một cách để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngoài AstraZeneca, các vaccine chính thức được EU chứng nhận còn bao gồm các loại do Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson sản xuất. Tuy nhiên, danh sách này lại không bao gồm mũi tiêm AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ hoặc nhiều loại vaccine khác được sử dụng ở các nước đang phát triển, bao gồm cả những loại vaccine được sản xuất ở Trung Quốc và Nga.
Mỗi quốc gia EU được tự do áp dụng các quy tắc riêng của họ đối với khách du lịch từ trong và ngoài khối, và các quy tắc của họ rất khác nhau, tạo thêm sự nhầm lẫn cho khách du lịch. Một số quốc gia EU, bao gồm Bỉ, Đức và Thụy Sĩ, cho phép mọi người nhập cảnh nếu họ đã có vaccine không được EU chứng nhận; một số nước khác, bao gồm cả Pháp và Italia, thì không.
Tiến sĩ Nsofor cũng lưu ý rằng, vaccine do Ấn Độ sản xuất mà ông tiêm đã được WHO cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và cung cấp thông qua COVAX, một chương trình do Liên Hợp Quốc hỗ trợ để cung cấp các mũi tiêm cho những khu vực còn khó khăn trên thế giới. Để xem xét phê duyệt vaccine này, WHO đã cử đại diện đến thăm nhà máy thuộc Viện Huyết thanh Ấn Độ nhằm đảm bảo rằng quá trình sản xuất tốt, và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng.
“Chúng tôi biết ơn EU vì họ đã tài trợ cho COVAX, nhưng bây giờ về cơ bản họ đang phân biệt đối xử với một loại vaccine mà họ đã tích cực tài trợ và quảng bá. Điều này sẽ chỉ tạo điều kiện xuất hiện các loại thuyết âm mưu cho rằng vaccine mà chúng tôi đang nhận được ở châu Phi không tốt bằng vaccine mà họ có ở phương Tây”, ông Nsofor nói.
Ivo Vlaev - Giáo sư tại Đại học Warwick của Anh, người tư vấn cho chính phủ về khoa học hành vi trong đại dịch Covid-19, cũng nhất trí rằng việc các nước phương Tây từ chối công nhận vaccine được sử dụng ở các nước nghèo có thể gây ra sự ngờ vực. Theo GS Vlaev, những người đã nghi ngờ vaccine sẽ càng nghi ngờ hơn. “Họ cũng có thể mất lòng tin vào các thông điệp về sức khỏe cộng đồng từ các chính phủ và ít sẵn sàng tuân thủ các quy tắc Covid-19”.
Cho đến nay, WHO kêu gọi các quốc gia công nhận tất cả các loại vaccine mà họ đã ủy quyền, bao gồm cả 2 loại do Trung Quốc sản xuất. Các quốc gia từ chối làm như vậy đang “làm xói mòn niềm tin vào vaccine cứu người đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, ảnh hưởng đến việc sử dụng vaccine và có khả năng khiến hàng tỷ người gặp rủi ro”, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố trong tháng này.