Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu trong vùng tâm bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Anh David Cameron với người đồng cấp Đức Angela Merkel tại London hôm 7/1 đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu với những đồn đoán về một quyết định có khả năng thay đổi tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Mâu thuẫn mục tiêu 

Trước khi lên đường tới London, bà Merkel khẳng định, sẽ bàn bạc với ông Cameron nhằm thông qua cam kết về chương trình nghị sự chung để gia tăng sức cạnh tranh của EU. Tuy nhiên, tuyên bố được phát đi từ phố Downing cho thấy, Thủ tướng Anh sẽ sử dụng cuộc đàm phán song phương để đề cập đến kế hoạch trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh của Anh vào năm 2017.

Mâu thuẫn mục tiêu trong cuộc đàm phán giữa lãnh đạo 2 quốc gia lớn nhất châu Âu cùng bế tắc trên chính trường Hy Lạp cho thấy EU đang ở trong vùng tâm bão có thể dẫn đến nguy cơ tan rã khối thịnh vượng. Tại Hy Lạp - bế tắc chính trị cũng đẩy giới chức quốc gia đang nợ nần nhiều nhất của châu Âu đứng trước lựa chọn phải từ bỏ tư cách thành viên EU.

Paris - tâm chấn mới

Tại Pháp – một đầu tàu kinh tế của châu Âu trong gần 60 năm qua, Tổng thống Francois Hollande đang phải đối mặt với áp lực to lớn trước cuộc bầu cử vào tháng 5/2017 từ lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen - người không giấu giếm ý định kích hoạt một cuộc trưng cầu tương tự ở Anh. Nợ công và tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm thời gian qua đã tạo ra những áp lực lớn chưa từng có cho mục tiêu thoát khỏi suy thoái.

Sự kiện ít nhất 10 phóng viên, 2 cảnh sát thiệt mạng, 5 người bị thương nghiêm trọng khi tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris bị tấn công bởi 3 kẻ lạ mặt (hôm 7/1) đã buộc Tổng thống Hollande phải triệu tập họp Nội các khẩn cấp. Charlie Hebdo - tạp chí nổi tiếng sau khi đăng hình biếm họa về nhà tiên tri hồi giáo Mohammed năm 2006 từng bị đánh bom năm 2011 và nhiều lần nhận thư đe dọa bị tấn công ngay giữa ban ngày đã đặt ra câu hỏi về năng lực của cơ quan an ninh. Trước đó, các vụ tấn công do những “con sói đơn độc” gia tăng đáng kể trên lãnh thổ nhiều quốc gia EU đã phát đi cảnh báo về mức độ táo tợn của các nhóm khủng bố hoạt động ngay trong lòng châu Âu.

Thách thức chiến lược

Tuy nhiên, trước khi mắt bão khủng hoảng hình thành từ làn sóng đòi tách khỏi EU và phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, Giáo hoàng Francsis đã nhận định EU giống như một quý bà tuy giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu nguồn năng lượng đổi mới, sáng tạo. Nhận định này được giới chức EU bàn thảo trong nhiều ngày qua để tìm giải pháp cho những thách thức chiến lược của Liên minh. Các thế mạnh của EU như một thủ phủ của các ngành công nghiệp toàn cầu và quan trọng nhất là sự hình thành một thị trường gồm nửa tỷ người… đã nhanh chóng bị gạt đi. Con số 2 tập đoàn dầu khí, 1 ngân hàng và 1 nhà sản xuất ô tô của EU có mặt trong top 20 DN hàng đầu thế giới đã đập tan ảo tưởng về sức mạnh của châu Âu. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, đúng như tên gọi của mình, Lục địa già đang trở nên già nua trước các trung tâm sáng tạo mới được hình thành tại Hàn Quốc, Trung Quốc và những gì diễn ra tại Nhật Bản được coi là bài học lớn cho EU trong con đường duy trì sự ổn định của mình. Theo đó, đã đến lúc châu Âu phải tỉnh lại, ngừng tranh cãi nội bộ mà phải tập trung vào sợi dây liên kết – vốn là nền tảng của Hiệp ước EU.

Bối cảnh kinh tế hiện tại và sự hình thành một trật tự thế giới mới khiến lãnh đạo EU nhận ra Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ là cơ hội vàng. Nếu TTIP được thông qua, sức mạnh của các nền kinh tế giàu có nhất, chiếm tới 3/4 các giao dịch tài chính toàn cầu và hơn 1/2 giao dịch thương mại thế giới sẽ được giải phóng. EU sẽ không chỉ được hưởng lợi về kinh tế mà xét về mặt chính trị, TTIP sẽ là đòn mạnh giáng vào yêu cầu thoát ly khỏi Hiệp ước của bất kỳ một thế lực chính trị nào khác ở Anh, Pháp hay Hy Lạp.