Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trong chuyến thăm hiếm hoi đến Nga, Berlin và Moscow cần tiếp tục thảo luận bất chấp các bất đồng, nhưng các khác biệt vẫn phủ bóng các cuộc thảo luận giữa 2 nguyên thủ. Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Sochi (Nga), các khác biệt đã thể hiện qua các vấn đề Syria, cuộc khủng hoảng Ukraine và cáo buộc can thiệp vào bầu cử. Ngôn ngữ cử chỉ của 2 nguyên thủ đã bộc lộ sự căng thẳng trong cuộc họp: biểu cảm trên khuôn mặt Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đều hết sức nghiêm túc và 2 vị lãnh đạo hiếm khi giao tiếp bằng ánh mắt.
Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của bà Merkel đến Nga từ sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 - sự kiện châm ngòi cho bất đồng giữa Moscow và phương Tây từ sau Chiến tranh Lạnh. Về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, ông Putin và bà Merkel cho biết đã nhất trí về việc cần thiết phải áp dụng toàn bộ Hiệp ước hòa bình Minsk. Bà Merkel bày tỏ ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Syria và mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Vladimir Dzhabarov nhận định, sau một loạt hành động củng cố vị thế ở Syria, giới chức phương Tây, trong đo có các nhà lãnh đạo Đức nhận ra rằng, chính sách đối đầu với Moscow không còn phát huy tác dụng.
"Bà Merkel muốn đưa ra cơ hội khôi phục hợp tác với Nga trong đó có lĩnh vực chống khủng bố, trong bối cảnh châu Âu đang bị đe dọa bởi một loạt các cuộc tấn công. Điều này sẽ củng cố vị thế của bà trong cuộc bầu cử sắp tới" - ông Dzhabarov nhận xét. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, giữa 2 nước còn ràng buộc bởi mối quan hệ kinh tế song phương. Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga và 2 nước cũng vốn là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau trước khi có các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi có lệnh trừng phạt, kim ngạch thương mại giữa Đức và Nga trong năm 2016 đã giảm 8,5% - tương đương 43 tỷ Euro. Giới chức Đức nhiều lần khẳng định thế giới cần Nga trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Thậm chí, Viện nghiên cứu kinh tế Munich kêu gọi lập ra một "khu vực tự do thương mại" giữa châu Âu và Nga. Moscow có thể là đối tác hấp dẫn cho hợp tác kinh tế sâu với EU, ông Gabriel Felbermayr - Viện trưởng Viện quan hệ kinh tế Đức với nước ngoài cho biết. Theo ông, thỏa thuận giữa EU và Liên minh kinh tế Á - Âu có thể cải thiện đáng kể GDP của cả Đức lẫn Nga. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cũng có phản ứng tích cực với đề xuất đó. "Chúng ta phải tìm kiếm hợp tác và quan hệ gần gũi hơn với Nga”, ông Schmidt nhấn mạnh.
Như vậy, dù khả năng lệnh dỡ bỏ lệnh cấm vận phương Tây áp đặt với Nga vẫn còn bỏ ngỏ nhưng chuyến thăm của bà Merkel đã gửi đi một thông điệp rằng Đức - nền kinh tế chủ chốt trong EU, sẵn sàng đối thoại với điện Kremlin.