Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chạy đua bán “suất ngoại giao”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Với các “suất ngoại giao” của chúng tôi, khách hàng chỉ phải trả giá gốc, không mất phí bán hàng, không mất tiền chênh…” là những lời quảng cáo hoa mỹ cho hàng nghìn căn hộ “ngoại giao” rao bán nhan nhản trên thị trường.

Trong khi người mua nhà hoang mang trước ma trận thông tin thì giới đầu tư địa ốc sành sỏi không lạ lẫm với “mánh lới” này. “Trong rổ hàng “suất ngoại giao” đâu ra lắm căn hộ đẹp được lót tay từ các VIP trên xuống như vậy? Phần lớn là hàng ế, hàng tồn gắn mác để “đẩy hàng” khi “bắt sóng” thị trường có dấu hiệu chững lại” - chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến nhận định.
Hàng đẹp hay hàng ế?

Tìm kiếm trên các trang thông tin nhà đất, không thiếu thông tin rao bán “suất ngoại giao” với giá rẻ bằng 2/3 thị trường. Một lô biệt thự riêng rẽ rộng 240m2 xây thô 3 tầng, 1 tum thuộc dãy BT5, hướng Nam khu Ngoại giao Đoàn được chính chủ rao bán bằng 70% giá thị trường. Quảng cáo nêu rõ: "Suất ngoại giao sang trọng nhất khu đô thị, không gian rộng rãi chỉ với giá 68 triệu đồng/m2". Trong khi thị trường đang bán loại sản phẩm này giá trên 80 triệu đồng/m2. Hàng loạt dự án thương mại cao cấp khác như The Legend Tower, HDMon City… cũng đang được quảng cáo với hàng chục "suất quan hệ” chính chủ, giá rẻ, căn góc thoáng mát với giá cực “sốc”.
Khách hàng tham khảo thông tin mở bán căn hộ dự án HDMon City. Ảnh: Phạm Hùng
Tại dự án nhà ở xã hội Bright City của chủ đầu tư AZ Thăng Long, “suất ưu đãi” lại được “cò” tên T. có số điện thoại 0966.695.xxx cam kết hoàn toàn không mất phí bán hàng, không mất tiền chênh, giá gốc chỉ 14 triệu đồng/m2 . Theo T., căn hộ 65m2, hướng Tây Nam tại tòa tháp A 1.2 Bright City là một trong số ít các “suất ngoại giao” vị trí đẹp, giá rẻ hiện còn. “Chị nên đặt cọc tiền luôn để giữ chỗ, nếu không sẽ mất suất, bởi đang có nhiều khách đang quan tâm” – T. nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên tại chân công trình dự án Bright City, hàng chục “môi giới” vẫn đang ráo riết tìm khách với số lượng hàng “tồn” khá nhiều.

Lý giải về tình trạng này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đây chính là một chiêu trò để “câu” khách. Trước đây, trên thị trường, số lượng căn hộ không nhiều, được giới đầu cơ mua đi bán lại với giá được đẩy lên cao, thậm chí người ta phải nhờ vả, tranh cướp và chấp nhận rủi ro mới mua được. Chính vì thế, những “suất ngoại giao”, “phần quan hệ” lại trở thành những thứ được ưa chuộng, dùng để đánh bóng nhằm hút khách và làm giá. Xuất phát từ thực tế đó mới dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”: Hàng đẹp, hàng ế đều chung mác “suất ngoại giao”. Khách hàng nếu chưa kiểm chứng đã vội vàng nộp tiền cho chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại.

Lực “xả” bất ngờ

“Suất ngoại giao” địa ốc cũng như cổ phiếu ưu đãi trong thời điểm thị trường hưng thịnh bỗng trở thành gánh nặng khi thị trường chững lại. Chị N.A, một nhà đầu tư cỡ lớn tại Thái Bình từng hoan hỉ khi được mua 5 lô liền kề suất ngoại giao hàng chục tỷ đồng tại một dự án “hot” ở Hà Đông với mức chiết khấu lên tới 20% thời điểm sốt nóng giữa năm 2016, nay đang đau đầu khi không “bắt sóng” được thị trường.

Đại diện một DN có tiếng thừa nhận, bản thân ông cũng nhận được nhiều lời đề nghị xin trả lại suất ngoại giao sau khi dùng các “mối quan hệ” mua bằng được. Nguồn tin này tiết lộ: “Khách VIP nhỏ phải chạy qua nhiều phòng ban, còn “thượng khách” thì có thể gọi điện trực tiếp cho các lãnh đạo cao nhất để xin trả lại”. Thực tế, các trường hợp từ chối các suất ngoại giao hay nguy cơ “mắc cạn” của các chủ nhân hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ tại hầu hết các dự án trên địa bàn Hà Nội. Thay vì hớn hở đón nhận như trước đây, nhiều chủ nhân của các “suất quan hệ” đang đau đầu vì “sóng” thị trường có chiều hướng “lặng”.

PGS.TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) mới đây đã đưa ra những dự báo về tình hình khó khăn của thị trường bất động sản trong năm nay. Trong lập luận của mình, ông Chung cho biết, thị trường nhà đất Việt Nam đã trải qua 3 năm liền nối dài mạch tăng trưởng (giai đoạn 2013 - 2016). Do đó, diễn biến của năm 2017 trở nên khó đoán hơn khi cơ hội bứt phá vẫn còn nhưng sự dè dặt đã bắt đầu lớn dần lên. Khả năng thị trường chững lại đang rất tiềm tàng, thể hiện rõ nhất ở tâm lý khách hàng sụt giảm rõ rệt. Với hàng loạt sự cố liên quan đến phân khúc chung cư, mới đây đã manh nha một đợt bán tháo căn hộ “suất ngoại giao”. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại một vài nhóm dự án mà khá phổ biến trên thị trường.

Ở một diễn biến khác, các chuyên gia nghiên cứu thị trường vẫn lạc quan cho rằng, dự báo vẫn chỉ là dự báo, một tháng vẫn chưa thể phản ánh được toàn bộ diễn biến thị trường. Do tác động của Tết Nguyên đán cùng với tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" khiến cho hoạt động giao dịch bất động sản có vẻ trầm lắng cũng là điều dễ hiểu. Việc các nhà đầu tư “xả” hàng đầu năm cũng là một lộ trình bình thường để quay vòng vốn, chưa đáng lo ngại.